Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo thúc đẩy xuất khẩu Hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hiệp định EVFTA vừa được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 21/12.
Ngành tiêu bước vào hàng ngũ xuất khẩu hơn 1 tỷ USD
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, năm 2022 là một năm đầy khó khăn cho ngành nông nghiệp thế giới. Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến ngành nông nghiệp Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy vậy, ngành gia vị nói chung và hồ tiêu nói riêng đã vượt qua khó khăn để đạt kết quả tích cực.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lũy tiến từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 911,1 triệu USD, chiếm 44,2% kim ngạch xuất khẩu của thế giới, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp hồ tiêu số 1 thế giới.
Việt Nam cũng là nước nhập khẩu hồ tiêu lớn với trên 34 ngàn tấn (tính đến tháng 11/2022). Hai loại tiêu nhập khẩu chính là tiêu hạt đen và tiêu trắng, với sản phẩm tiêu nguyên hạt và tiêu xay.
Bên cạnh hồ tiêu, những loại gia vị khác cũng có chuyển biến tích cực như quế, hồi, gừng, nghệ, ớt, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, đinh hương, vani. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu quế tính đến tháng 11/2022 đạt 267,5 triệu USD; hồi đạt 115 triệu USD… Dự báo cả ngành gia vị Việt Nam năm 2022 ước sẽ đạt trên dưới 1,5 tỷ USD.
“Điều này đạt được do chúng ta có sự kết nối tốt giữa các nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Ngành hồ tiêu so với các ngành khác trên lĩnh vực nông nghiệp không phải là một ngành lớn. Nhưng với sự nỗ lực những năm qua, loại cây này đã đứng vào hàng ngũ xuất khẩu trên tỷ USD. Chúng tôi có niềm tin rằng năm 2023 chúng ta có thể đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu cho ngành này”, bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Hồ tiêu của chúng ta đã có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đang có chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia để đưa hồ tiêu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên hạn chế hiện nay là phần lớn các sản phẩm đều xuất thô, tươi, nguyên hạt. Mới chỉ có khoảng 30% sản lượng hồ tiêu đã qua chế biến.
Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, năng lực chế biến của chúng ta rất lớn, mỗi năm có thể xử lý trên 140 ngàn tấn. Ngoài việc tham gia vào khâu chế biến sản phẩm trong nước, chúng ta có thể chế biến cho những nước xuất khẩu tiêu nhưng có công nghệ chế biến chưa phát triển như: Indonesia, Campuchia, Brazil…
Tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại FTA
Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Philippine, Hàn Quốc, Nga, Singapore… Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng nhập khẩu hồ tiêu của EU đạt gần 70 ngàn tấn. Trung bình EU nhập khẩu gần 10 ngàn tấn/tháng, tổng giá trị nhập khẩu ước lên đến gần 388 triệu USD.
Trong đó, EU nhập khẩu sản lượng hồ tiêu từ Việt Nam chiếm khoảng 22 - 23%, tương đương thị trường Mỹ và các nước châu Á khác. Toàn ngành gia vị xuất khẩu vào thị trường này chiếm tỷ lệ gần 60%. Chính vì vậy Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như: Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka và Campuchia vì mới chỉ có 4 quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore và Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA thế hệ mới) với EU.
Lợi thế được cụ thể hóa khi thuế suất về 0% đối với một số loại gia vị Việt Nam như hồ tiêu xay hoặc nghiền, ớt, vani, đinh hương…
“Vào được EU rất quan trọng, vì 27 nước châu Âu là một thị trường lớn, hơn nữa, từ EU chúng ta có thể mở rộng ra thị trường Đông Âu như Ba Lan, Ukraine… và các thị trường nhỏ khác đang nằm ngoài EU”, bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thách thức hiện nay là những rào cản kỹ thuật và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ở thị trường này rất cao. EU có quy định gần 600 chất cấm trong gia vị. Trong đó, có khoảng 15 chất cấm mà ngành gia vị Việt Nam thường xuyên gặp phải. Đó là một thách thức lớn mà ngành gia vị nước ta phải đáp ứng để xuất khẩu.
Với hơn 500 triệu người dùng, EU là khối thương mại lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP trung bình 0.9% mỗi năm. Cùng với Mỹ, châu Âu là những nhà nhập khẩu tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 sản lượng nhập khẩu toàn cầu.
Tiêu đen là sản phẩm thông dụng và không thể thay thế được và là loại gia vị quan trọng tại thị trường châu Âu. Gần 90% tiêu đen nhập khẩu là tiêu nguyên hạt, 10% còn lại là tiêu xay. Trong 5 năm tới, nhập khẩu các loại sản phẩm từ tiêu có khả năng tăng tốc 1 - 2%/năm.
“Dư địa còn rất lớn, vấn đề là mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này”, bà Nguyễn Nhật Minh - Công ty Vietnam Insight nhận định và cho biết, khó khăn chính là người nông dân trồng tiêu đã quen với các phương thức canh tác cũ. Việc trồng xen canh với những loại cây trồng khác như cà phê, sầu riêng mà không kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả lại.
Cũng theo bàn Minh, các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo sát những thay đổi về danh mục chất cấm trên cây trồng và phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý như kiểm soát tạp chất, an toàn thực phẩm, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… đảm bảo phải có đầy đủ giấy tờ chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn thị trường (thường phải tuân thủ tiêu chuẩn UNECE hoặc Codex Alimentarius).
Ngoài ra còn có một số yêu cầu đặc biệt với phân khúc thị trường cụ thể, ví dụ như yêu cầu sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng, thị trường tập trung hơn vào sản xuất thân thiện môi trường và có trách nhiệm với xã hội.
Để làm được điều này thì nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp phải có sự đồng hành với người nông dân, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ từ đầu vào cho tới đầu ra của sản phẩm, liên kết sản xuất, xây dựng vùng trồng để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị xuất khẩu cho các loại cây gia vị của Việt Nam.
Theo Nông thôn Việt