Ngọc Khuê - Nhạc sỹ của những bức tranh

Tôi đến gặp Nhạc sĩ Ngọc Khuê với tâm trạng vô cùng hào hứng và kỳ vọng sẽ có một bút ký đầy cảm xúc. Gặp anh rồi, tôi rơi vào trạng thái bối rối, không biết nên bắt đầu bài viết từ đâu, như thế nào. Mọi thứ tưởng chừng đã nắm được lại cứ vuột khỏi tay, không cách gì níu giữ nổi… Không phải tôi bị ngợp trước tài năng của anh mà vì anh quá tinh tế, tinh tế đến độ tôi sợ những gì mình viết sẽ trở nên thô thiển, khó coi.

1- Người vẽ Hà Nội bằng âm nhạc

Nhắc đến Nhạc sĩ Ngọc Khuê, ca khúc đầu tiên bất cứ người viết nào cũng muốn đề cập, đó là “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Mỗi câu hát giống như một nét vẽ và bức tranh về một Hà Nội hào hoa, thanh lịch dần dần hiện ra…

“Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê
Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều
Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa
Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng”.

Tôi yêu ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” ngay từ khi mới xuất hiện nhưng không hề biết Nhạc sĩ Ngọc Khuê chính là tác giả. Khi Nhà văn Trần Thị Trường có bài viết về anh, tôi sợ chị nhầm nên vào Google search đi search lại rồi bối rối vì chưa bao giờ nghe ai nhắc đến tên người Nhạc sĩ tài hoa ấy. Thật có lỗi với tác giả của ca khúc mà tôi luôn nghĩ rất xứng đáng được coi là HÀ NỘI CA.

7b3bc0854ff4edaab4e5-1719846283.jpg

Nhạc sĩ Ngọc Khuê

Trước và sau Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã có nhiều Nhạc sĩ viết về Hà Nội. Ca khúc nào cũng hay, cũng vẽ nên một Hà Nội hoặc hào hùng, khí phách, hoặc kín đáo như mái ngói thâm nâu, hoặc nhẹ nhàng như mùi hương hoa sữa… Song, với tôi “Mùa xuân làng lúa làng hoa” mới là bức tranh đặc sắc nhất về Hà Nội. Biệt tài của Nhạc sĩ Ngọc Khuê chính là sự khiêm nhường, dung dị, không một chút khoa trương nhưng bức tranh anh “vẽ” khiến cho bất cứ ai chưa từng đến Hà Nội vẫn có thể hình dung về một Hà Nội hào hoa, về người Hà Nội thanh lịch của một thời xưa rất xưa. .. Và người Hà Nội mỗi khi đi xa sẽ nhớ quay quắt thành phố của mình khi hát:

“Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người
Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng
Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt
Hương hoa bay rào rạt làng hoa em gọi mùa, mùa xuân.

Lúa lên xanh thắm bên hoa em thơm ngát
Hồ Tây ơi mùa xuân tình ca đơm hoa từ lòng đất
Đôi lứa tình yêu mùa xuân, làng lúa làng hoa mùa xuân”.

Thường những gì lặp đi lặp lại sẽ khiến nhiều người cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Trong “Mùa xuân làng lúa làng hoa”,  các từ: lúa, hoa, làng, Hồ Tây… có mặt gần như trong mỗi câu hát. Song, sự lặp lại này chẳng những không hề nhàm chán mà còn khiến Hà Nội lung linh như cổ tích. Viết đến đây, tôi chợt bật cười vì nhớ đến bài viết đăng trên một tờ báo. Người viết cho rằng “Mùa xuân làng lúa làng hoa” là ca khúc tiêu biểu về đề tài nông nghiệp. Tôi “lồng lộn” gào lên: “Mùa xuân làng lúa làng hoa” không phải bài hát dành cho ngành nông nghiệp. Đúng là có làng, có lúa, có hoa, có cánh đồng xanh ngát ven đê… nhưng đó là bức tranh độc đáo đặc tả Hà Nội ngày xưa…”.

Có thể bạn đọc cho rằng tôi quá lời. Song, tôi yêu “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, coi nó là Hà Nội ca trước hết vì tôi là người Hà Nội. Tôi luôn hoài niệm về một Hà Nội thời tôi còn là thiếu nữ. Hà Nội ngày xưa nhỏ lắm, đi một vòng đã hết vèo thành phố.. Qua làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng và đi hết đường Thanh Niên, nơi tiếp giáp Hồ Tây phía bên kia bờ đê đã thuộc vùng ngoại thành. Hà Nội nhỏ nhưng thanh bình, lịch lãm ngay cả trong những năm tháng chiến tranh vô cùng khốc liệt. Mỗi khi nghe ca khúc “Mua xuân làng lúa làng hoa”, Hà Nội ngày ấy lại hiện ra vô cùng sống động, gợi cho tôi sự nuối tiếc không hề nhẹ…

Tròn 45 năm yêu “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, mới đây tôi may mắn quen rồi thân thiết với nàng thơ - người con gái tạo nguồn cảm hứng để Nhạc sĩ Ngọc Khuê có một sáng tác sống mãi với thời gian. Trước tôi, đã có nhiều Nhà báo viết về ca khúc cùng câu chuyện liên quan đến sáng tác của anh. Họ nhắc đến một “bóng hồng” theo kiểu đó là tình yêu đôi lứa… Đúng,  ở “làng lúa làng hoa” ấy có một mối tình tuyệt đẹp, vô cùng  thuần  khiết - đó là mối tình đói với âm nhạc, là mối lương duyên gắn kết người Nhạc sĩ tài hoa với cô gái rất Hà Nội, Hà Nội từ khuôn mặt, vóc dáng đến cốt cách. Hồi ấy, Nhạc sĩ Ngọc Khuê đảm nhận vai trò phụ trách nghệ thuật cho đoàn Tuyên truyền văn hoá văn nghệ của Quân chủng Không quân, còn cô gái ấy là thành viên của đoàn. Ai đã từng sống vào những năm tháng ra đời ca khúc sẽ hiểu điều tôi nói, rằng không có cái gọi là trai gái gì gì ở đây cả, chỉ có tình yêu đối với âm nhạc mà thôi. Đến tận bây giờ họ vẫn thân thiết với nhau, vẫn cùng nhau say mê âm nhạc như thuở nào. Mỗi khi sáng tác một ca khúc mới, anh lại gửi cho chị để chị tập piano và hát. “Mối tình” của họ thật thánh thiện và đáng ngưỡng mộ biết bao.

“Lợi dụng” sự thân thiết với cô gái ấy, tôi vòi chị một cuộc gặp gỡ tác giả “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Được Nhạc sĩ đồng ý, tôi vòi tiếp: “Em muốn nghe chị và anh Ngọc Khuê hát…”. Và rồi nước mắt tôi chảy dài trên má khi nghe chị cất lên câu đầu tiên “Bên lúa, anh bên lúa…”. Đến đoạn điệp khúc, lúc anh hoà giọng cùng chị, tôi đã không thể kiềm chế nổi cơn nức nở… Có lẽ Nhạc sĩ Ngọc Khuê và chị không hiểu vì sao tôi khóc.

Một chiều thu 2012 bên Hồ Tây, cậu bạn thân học cùng phổ thông bỗng nhiên muốn nghe tôi hát. Ca khúc cậu ấy đề nghị chính là “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Tôi lắc đầu. Từ ngày cắt amidal, giọng tôi yếu và mỏng, nói không còn hay nữa thì làm sao có thể hát. Rồi không nỡ từ chối ánh mắt khắc khoải của người bạn, tôi hát liều. Không nhạc đệm, không âm thanh phụ trợ nhưng hôm đó tôi cảm nhận mình hát khá hay. Khi tôi ngừng lại ở câu “làng lúa làng hoa mùa xuân”, mắt bạn tôi ngấn nước. Vài giây lặng đi mà ngỡ rất dài... Buổi chiều thu ấy là lần gặp cuối cùng trước khi bạn tôi vĩnh viễn biệt ly. Lý do đặc biệt đó khiến tôi đã yêu lại càng thêm nặng lòng với “Mùa xuân làng lúa làng hoa”.

2 - Người Nhạc sĩ đa tài 

Thật ra, ngoài ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, Nhạc sĩ Ngọc Khuê còn rất nhiều tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội như: “Bài ca bầu trời Thăng Long - Hà Nội”, “Em vẹn nguyên Hà Nội”, “Hà Nội chiều đông”, “Nhớ hoàng hôn Hà Nội”… Anh dùng âm nhạc để “vẽ” cả bốn mùa của Hà Nội, “bức tranh” nào cũng đặc sắc, tinh tế và đẹp đến nao lòng…

“Hà Nội em đi trong chiều nay
Ngơ ngẩn Tây Hồ mưa bụi bay
Em qua phố nắng mềm theo lụa
Anh hứng bơ vơ chút nắng đầu mùa…”

Những người trong nghề đều biết, với một ca khúc music luôn quan trọng hơn lyric. Song, với tôi, âm nhạc dù hay mà ca từ không hay cũng vô nghĩa. Tôi không thể nào nạp nổi câu hát kiểu như “có một ngày em nhớ anh tơi bời”. Chính vì vậy, tôi càng nể phục tài năng của Nhạc sĩ Ngọc Khuê. Các ca khúc của anh đẹp cả phần nhạc lẫn phần lời.  Mỗi ca khúc là một bức tranh - những bức tranh hội tụ đủ không gian ba chiều: cao vòi vọi, rộng mênh mang và sâu thăm thẳm…

Ngoài khả năng vẽ tranh bằng âm nhạc, Nhạc sĩ Ngọc Khuê còn làm thơ, viết văn, chụp ảnh… và trình IT của anh, tôi chắc chắn nhiều bạn trẻ cũng phải ngưỡng mộ. 

Giữa cái nắng tháng 6 cháy da cháy thịt, oi bức đến kinh hoàng của Hà Nội, tôi ngại ngùng bước vào căn hộ nhỏ của anh trong bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi. Anh đón tôi bằng ca khúc “Cơn mưa xanh”:

“Một cơn mưa xanh
Em là một cơn mưa xanh
……
Cùng em đi trên con đường và cơn mưa xanh
Cùng nhau thánh thót những lời mà chưa dám nói…”

Cái nắng gay gắt cùng sự oi bức, ngột ngạt liền tan biến. Tôi trầm trồ:

- Hay quá! Hoà âm, phối khí tuyệt vời! Ca sĩ tuyệt vời! Em lại yêu “Cơn mưa xanh” của anh mất rồi…
- Hay không? Tuyệt vời không?
- Còn hơn thế ạ…
- Là rô bốt hát đó em. Hoà âm, phối khí do AI thực hiện đó em…
- Thật sao? 
- Thật. Tất nhiên anh phải đưa lệnh cho AI. Lệnh càng chi tiết, ca khúc càng hay…

Nhiều bạn chơi AI nói rằng chỉ đưa vài câu thơ vớ vẩn rồi yêu cầu soạn một ca khúc, AI sẽ trả lại một đáp án tuyệt hảo. Nghe “Cơn mưa xanh” do Nhạc sĩ Ngọc Khuê “ra lệnh” cho AI mới biết mọi chuyện không hề đơn giản. AI thông minh đến mấy đi nữa nhưng người amateur về âm nhạc cũng chỉ nhận được loại hàng kém chất lượng mà thôi. Từ một bài thơ, Nhạc sĩ Ngọc Khuê sẽ chọn hình thái nhạc như pop, rock, jazz, blues… Tiếp đến anh phải viết thành ca từ rồi phân bổ mở bài, giai điệu, cao trào, điệp khúc cùng các loại nhạc cụ cần thiết phù hợp cho AI hoà âm phối khí... Chính vì vậy “Cơn mưa xanh” của anh mới đủ sức làm dịu đi sự oi bức tháng 6…

Tôi kinh ngạc vô cùng về sự đa tài của Nhạc sĩ Ngọc Khuê. Dù anh “nói rất nhỏ” vẫn khiến người ta phải trầm trồ, thán phục sức lao động cùng khối lượng thơ, ca, nhạc, hoạ mà anh đã sáng tác.

Tôi không thể “gói gọn” Nhạc sĩ Ngọc Khuê trong một bài viết. Cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của anh giồng như nồi cơm thần kỳ của Thạch Sanh, dù bao nhiêu người ăn, ăn mãi, ăn mãi, cơm vẫn đầy nồi. Vì vậy, tôi tạm kết thúc bài viết ở đây trong sự tiếc nuối…