Nhà báo, nhà giáo và nhà bác học Đào Duy Anh

06/04/2024 21:53

Đào Duy Anh người trí thức đã cống hiến bao nhiêu thành quả của hơn sáu mươi năm lao động trí óc cho học thuật và văn hiến nước nhà, đã vĩnh biệt cuộc đời. Người xưa nói: “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Ngày nay và ở đây, “tinh anh” không phải là cái gì huyền bí trong cõi hư vô nào mà là trí tuệ và tư duy, cảm xúc và tri thức thể hiện thành một chỉnh thể văn chương phong phú từ những bài đầu tiên trên báo Tiếng Dân ở Huế đến những trang cuối cùng của hồi kí Nhớ nghĩ chiều hôm trong một căn phòng nhỏ hẹp của dãy nhà B6 Kim Liên, Hà Nội.

Ở con người ấy và sự nghiệp ấy, nổi lên thường xuyên ba chữ “tự đậm nét gắn với nhau.

Một là “tự lập”. Vào những thời trên dưới sáu mươi năm về trước, giữa kinh đô Huế cũng như khắp Trung Kì nói chung, những thanh niên tốt nghiệp Quốc học rồi, trừ một số rất ít có điều kiện đặc biệt được ra Hà Nội hoặc sang Pháp học tiếp, còn hầu hết là đi nhận một chức trợ giáo, thông phán, kí lục, v.v… ở một nơi nào đó để mong đảm bảo được lâu dài một cuộc sống “trưởng giả” trong xã hội. Người thanh niên Đào Duy Anh, sau bốn năm học xuất sắc và tốt nghiệp thủ khoa, cũng đã đi làm thày giáo ở trường tiểu học Đồng Hới. Chỉ ba năm sau, trong những điều kiện xã hội - lịch sử của đất nước, sau khi Nguyễn Ái Quốc từ phương Tây về phương Đông và trong lúc xuất hiện những động thái mới của truyền thống yêu nước tương quan với cuộc đấu tranh giành tự do cho Phan Bội Châu và dịp truy điệu Phan Chu Trinh, Đào Duy Anh đã từ biệt nhà trường, trở về Huế quyết tâm lập nghiệp theo phương hướng mới phù hợp với chí hướng của mình. Lĩnh hội ý kiến của Phan Bội Châu rồi tìm gặp Huỳnh Thúc Kháng ở Đà Nẵng, Đào Duy Anh cùng với những nam nữ thanh niên tân tiến Nguyễn Quý Hương, Trần Đình Phiên… hăng hái góp công góp sức vào việc xây dựng nhà in, tổ chức công tác biên tập, phát hành và xuất bản báo Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên của Trung Kì do Huỳnh Thúc Kháng chủ trì. Một năm sau, 1928, có sự cộng tác của Phan Đăng Lưu, nhà báo Đào Duy Anh lại mở ra  nhà xuất bản lấy tên là Quan Hải tùng thư nhằm bước đầu truyền bá những tri thức khoa học xã hội và những tư tưởng tiên tiến của thời đại vào những lớp người đang có khí thế vươn lên. Với những hoài bão ấy, đây là một loại nhà xuất bản trước chưa từng có trên đất nước ta. Cơ sở vật chất kĩ thuật của nó quá bé nhỏ và nghèo nàn. Nhưng dung lượng tri thức của nó tăng khá nhanh, dần dần trở nên phong phú. Nơi đây, trong hoạt động xã hội cũng như trong sinh hoạt gia đình, mọi người quen biết thân thiết còn thấy rõ sự chung lòng góp sức thật là tận tình và thật là đắc lực của chị Trần Thị Như Mân, một cô giáo trẻ đã dũng cảm từ Huế đánh điện ra Hà Nội đòi toàn quyền Va-ren trả lại tự do cho Phan Bội Châu. Nhờ có những nhân tố tích cực về cả hai mặt chủ quan và khách quan, vượt qua những trở lực từ thời kì này sang thời kì khác, Quan Hải tùng thư phát huy tác dụng tốt trên phạm vi ngày càng rộng, cả trong lúc nó không hoạt động được bình thường. Và chặng đầu tiên ấy cũng chính là chặng khai cơ cho cả công cuộc lập nghiệp lâu dài về sau qua bao nhiêu diễn biến của tình thế.

dao-duy-anh-vanvn4-1712928728.jpg
 
Giáo sư Đào Duy Anh

Hai là “tự học”. Chương trình giảng dạy của trường Quốc học Huế không vượt ra ngoài khuôn khổ tiểu học, như nhà chức trách giáo dục của chính quyền thực dân Pháp đã xác định. Vốn học thức do nhà trường cung cấp được chứng nhận bằng tấm bằng “Cao đẳng tiểu học” thường chỉ đủ để đáp ứng yêu cầu làm viên chức thừa hành ở ngành này ngành khác của chính quyền thực dân. Theo phương hướng lập nghiệp của mình, Đào Duy Anh đã tự mình phấn đấu khẩn trương nâng cao và mở rộng tri thức khoa học của mình trên nhiều lĩnh vực. Xây dựng thư viện cho báo Tiếng Dân, cho Quan Hải tùng thư và cho đảng Tân Việt, tất cả đều có ý nghĩa kết hợp tự lập với tự học để nhanh chóng trở thành một học giả uyên thâm. Năm 1932, chỉ qua mấy năm tự lực phấn đấu vừa học vừa làm, Đào Duy Anh đã cống hiến cho đất nước cuốn Hán Việt từ điển, một công trình hơn nửa thế kỉ nay giữ một địa vị xứng đáng được coi là độc tôn trong ngành từ điển Việt Nam. Bốn năm sau nữa, cuốn Pháp Việt từ điển ra đời cùng với cuốn Hán Việt từ điển vừa giúp ích cho sự tiếp nhận những khái niệm mới và tri thức mới vừa giúp ích cho sự làm giàu tiếng Việt chúng ta bằng bao nhiêu từ ngữ mới, do đó mà góp phần quan trọng tạo điều kiện tốt cho sự phát triển văn hóa cũng như sự giác ngộ chính trị của các thế hệ người Việt Nam đang tiến lên trong các phong trào hoạt động và đấu tranh xã hội. Đồng thời, Quan Hải tùng thư còn xuất bản một công trình nghiên cứu được các giới học thuật nước nhà rất hoan nghênh là cuốn Việt Nam văn hóa sử cương góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề cần thiết cho sự tìm hiểu, xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Ngoài ra còn có nhiều tài liệu khác, bao gồm những tập thường thức nhập môn đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho những người tự học đương thời như: Lịch sử các học thuyết kinh tế, Lịch sử nhân loại, Dân tộc là gì? Xã hội là gì? Tôn giáo là gì?... Có thể coi đó là những ngọn nến trong xã hội chúng ta đang bị thực dân phong kiến dìm sâu vào bóng đêm dày đặc của chính sách ngu dân. Sau Cách mạng tháng Tám, dưới chế độ chúng ta, con người học giả nghiên cứu khoa học và con người giảng dạy, đào tạo nhân tài hợp làm một. Những điều kiện xã hội lịch sử mới tạo thêm điều kiện thuận lợi cho hoạt động tự học và nếp sống “học không chán, dạy không mỏi” vẫn tiếp tục nhiều năm quá mức tuổi “cổ lai hi”. Sản phẩm học thuật và văn hóa của nửa đời người về sau bao gồm những công trình như: Lịch sử Việt Nam, Cổ sử Việt Nam, Từ điển Truyện Kiều và bao nhiêu công trình biên soạn, khảo sát, phiên dịch, chú giải, về sử học, văn học, từ ngữ học… thật là phong phú và biểu thị một nhiệt tình ham học ham làm thật là bền bỉ và năng động.

Ba là “tự khẳng định”. Quá trình đạt được những thành tựu nói trên cũng chính là quá trình tự khẳng định liên tục và bền bỉ của Đào Duy Anh. Nhiều người chỉ khen ngợi nhà báo ấy, nhà văn ấy và nhà nghiên cứu ấy học rất giỏi, đọc rất nhiều, nghiên cứu, trước tác thật sâu rộng. Nhưng sự thật không phải chỉ có thế. Phan Bội Châu nhiều lúc biểu dương người bạn “vong niên” hay là người chiến hữu “hậu sinh” của mình vừa thông minh vừa có chí khí. Cái cốt lõi cơ bản nhất của sự tự khẳng định, chính là cái chí khí ấy. Qua những bài trên báo Tiếng Dân, người đọc đã có thể thấy chí khí ấy là quyết tâm phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì công cuộc “mở mang dân trí”, “bênh vực nhân quyền” theo những tư tưởng của Lư Thoa, Mạnh Đức[1]… và của Tôn Dật Tiên. Nhiều lúc người ta còn thấy chí khí ấy biểu hiện thành tâm huyết nồng nhiệt của một con người vì nước vì dân mà làm con chim Tinh Vệ ngậm từng hòn đá lấp biển oan cừu.

z5322848360203-34b2758f0c6b9f03084469427f146320-1712414999.jpg
Nhà báo Quang Đạm

Trên con đường tiến triển của Quan Hải tùng thư, sự tự khẳng định của người trí thức yêu nước đã vươn tới một giai đoạn cao hơn. Dần dần, do Quan Hải tùng thư, nhiều người Việt Nam ở Huế biết đến và dám nói đến Mã Khắc Tư, Ân Cách Nhĩ, Liệt Ninh (hoặc Lý Ninh)[2]… Hai cuốn Hán Việt từ điển, Pháp Việt từ điển, cuốn Việt Nam văn hóa sử cương và những tài liệu về kinh tế học, cũng như về vấn đề này, vấn đề khác của xã hội học giới thiệu một cách phổ cập những học thuyết của cách mạng vô sản. Sự định nghĩa và giải thích bằng mực đen giấy trắng nhiều thuật ngữ mới của ngôn từ tuyên truyền cổ động cách mạng là một sự dũng cảm thách thức các thế lực cầm quyền đã có những lần đối phó lại bằng hành động khủng bố, bắt bớ, giam cầm và bằng cả những thủ đoạn xuyên tạc, bịa đặt, chia rẽ.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tạo điều kiện tốt cho sự tự khẳng định đúng đắn của người trí thức tiến bộ. Trong nhà trường, trong viện nghiên cứu, trong xã hội, Giáo sư và Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh kết hợp chặt chẽ ba dạng hoạt động học, dạyhành. Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ có những bước phức tạp, có những sự bất đồng quan điểm gây nên trắc trở băn khoăn. Nhưng hướng chung là hướng tiến lên theo ngọn đuốc sáng của chân lí đang soi tỏ càng ngày càng rộng khắp. Từ năm tháng này sang năm tháng khác, nhà bác học Đào Duy Anh đã đi đến đích tự khẳng định - mặc nhiên mà cũng hiển nhiên - bằng chí khí nhất quán, bằng tư duy khoa học, bằng nếp lao động miệt mài và giàu thành quả đi đôi với nếp sống giản dị và thanh bạch, là người chiến sĩ lão thành, một con chim đầu đàn trong cộng đồng những người trí thức yêu nước, cách mạng và xã hội chủ nghĩa, được Tổ quốc và nhân dân đánh giá cao.

Và đến những giờ phút vĩnh biệt này, sự tự khẳng định ấy đã là sự tự khẳng định cuối cùng để trở thành sự tự khẳng định vĩnh viễn.

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 1988

[1] Rousseau, Montesquieu, những nhà tư tưởng Pháp thế kỉ XVIII.

[2] Marx, Engels, Lê-nin.

Quang Đạm
Bạn đang đọc bài viết "Nhà báo, nhà giáo và nhà bác học Đào Duy Anh" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309