Nông thôn mới cần gìn giữ hồn quê Việt và phát huy bản sắc vùng miền

06/08/2022 08:55

Ngày 5/8, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Nông thôn mới cần gìn giữ hồn quê Việt và phát huy bản sắc vùng miền

Theo đó, xây dựng Nông thôn mới là một trong ba Chương trình mục tiêu quốc được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 2 nhiệm kỳ trước đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nước ta và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 

ntm2-1659750726.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu 6 vấn đề trọng tâm để Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có thể triển khai một cách hiệu quả.

Thứ nhất, hệ thống các văn bản bao gồm từ Nghị quyết, Quyết định, Thông tư, Hướng dẫn đã hoàn thiện, đủ điều kiện tổ chức thực hiện chương trình. Tuy nhiên, hệ thống văn bản nhiều đi cùng với đó sẽ không tránh khỏi những phát sinh như gây ra nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn sẵn sàng lắng nghe và kịp thời phản hồi một cách nhanh nhất, có trách nhiệm nhất để không làm ách tắc quá trình triển khai của các địa phương.

Thứ hai, Nguồn vốn cho chương trình, bao gồm vốn đầu tư và cả vốn sự nghiệp, sẽ không đủ để đạt được mục tiêu vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội nông thôn. Đặc biệt, Chương trình chú trọng hình thành các không gian, thiết chế cộng đồng dân cư nông thôn, gắn với không gian sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, nâng cao năng lực và chất lượng sống cư dân nông thôn là đặc biệt quan trọng.

Thứ ba, Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn.

Nói cách khác, Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua nhưng sẽ đảm bảo Nông thôn mới phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới…

Thứ tư, Chương trình không thể và không nên rập khuôn “mặc đồng phục” ở tất cả các địa phương. Mà Hình ảnh Nông thôn mới cần dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù và phát huy bản sắc của mỗi vùng miền, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn.

Nông thôn có đặc thù là không gian mở, con người gần gũi với con người, con người gần gũi với thiên nhiên, do đó cần chú ý đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị.

nong-thon-moi-bo-tru-1659750809.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Thứ năm, việc tổ chức lại sản xuất là yếu tố quyết định tăng thu nhập nông dân, tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề. Phát triển kinh tế nông thôn là điều kiện để tạo ra cơ hội việc làm ở nông thôn theo phương châm “ly nông, bất ly hương”.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cách để thu hút người đô thị về với nông thôn, về với nông dân, là cách giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn là cách kích hoạt sự thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức lại đội ngũ khuyến nông cộng đồng để hướng tới nhiều mục tiêu, trong đó có xây dựng và phát triển Nông thôn mới. 

Thứ sáu, bên cạnh tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu, Nông thôn mới nâng cao, nhiều địa phương đã có sáng kiến kết hợp xây dựng Làng thông minh, Làng hạnh phúc, Làng văn hoá du lịch…

“Tôi đánh giá cao những sáng kiến tạo ra sự khác biệt này và sẽ có tổng kết để hoàn thiện và nhân rộng trong thời gian tới ở những địa phương có điều kiện. Mô hình Hội quán ở Đồng Tháp, Nông hội ở Gia Lai, Ngôi nhà Trí tuệ ở Hà Tĩnh,… đã được đánh giá tính hiệu quả, giúp tạo ra không gian sinh hoạt thiết thực cho cộng đồng dân cư nông thôn. Tôi mong rằng, những mô hình này được lan toả trong cả nước”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ.

Báo cáo công tác xây dựng Nông thôn mới của cả nước trong thời gian qua, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Mục tiêu xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện Nông thôn mới nâng cao, huyện Nông thôn mới kiểu mẫu.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng từ 17 đến 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới theo các tiêu chí Nông thôn mới do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định.

Như vậy, so với giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và cấp thôn đạt chuẩn Nông thôn mới.

Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng Nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Chương trình thực hiện trên địa bàn 8.227 xã (bao gồm cả 1.458 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 659 đơn vị cấp huyện (bao gồm cả 74 huyện nghèo thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

 

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Nông thôn mới cần gìn giữ hồn quê Việt và phát huy bản sắc vùng miền" tại chuyên mục Nông thôn mới. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309