Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể "Liên Khê" cho sản phẩm quả na bở của xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Xã Liên Khê có diện tích trồng na lớn nhất của huyện Thủy Nguyên với hơn 100ha. Giống na bở Liên Khê đã được trồng lâu đời, lưu truyền qua nhiều thế hệ và có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với giống na dai và na nhập ngoại khác vì cây phát triển nhanh khỏe, đậu quả nhiều, sinh trưởng tốt, kháng bệnh cao, có hương thơm đặc biệt. Do được đầu tư chăm sóc tốt mà quả na bở của xã Liên Khê có mẫu mã đẹp, quả to, na chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, thơm, có vị ngọt thanh, bổ dưỡng. Điều này đã làm cho quả na bở Liên Khê càng ngày được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Về hiệu quả kinh tế, trồng na bở ở Liên Khê cho thu nhập khá cao. Trung bình mỗi ha trồng na cho thu hoạch từ 8-9 tấn với giá trị từ 600-700 triệu đồng, cao gấp từ 20-30 lần so với trồng lúa.

Năm 2019 sản phẩm na Liên Khê đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Liên Khê” cho chủ sở hữu nhãn hiệu là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê theo quyết định số 85775/QĐ-SHTT ngày 01/10/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ. Để quản lý, khai thác và phát triển hơn nữa hiệu quả của NHTT “Liên Khê” đối với sản phẩm quả na của xã Liên Khê năm 2021 thành phố Hải Phòng triển khải dự án: Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Liên Khê” cho sản phẩm quả na của xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Một trong các mục tiêu của dự án giúp hoàn thiện mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê” sau khi được bảo hộ và từ đó nâng cao danh tiếng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người sản xuất.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI

NHTT chỉ phát huy giá trị khi cần có một mô hình quản lý, khai thác và sử dụng NHTT một cách hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và được các bên chấp nhận. Mô hình cần có chủ thể vận hành, tham gia mô hình và đi cùng với nó là một hệ thống các văn bản, công cụ phục vụ cho việc quản lý và khai thác phù hợp. Một sản phẩm mang NHTT nếu không quản lý tốt sẽ bị lạm dụng danh tiếng trong hoạt động thương mại, quyền sở hữu và quyền sử dụng bị xâm hại… Hậu quả, NHTT sẽ mất tác dụng, thậm chí gây những tác động ngược nghiêm trọng về kinh tế - xã hội đối với cộng đồng người sản xuất.

Trong khuôn khổ dự án: Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Liên Khê” cho sản phẩm quả na của xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng chúng tôi đã kiện toàn mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê”, cụ thể như sau:

2.1. Kiện toàn mô hình quản lý NHTT “Liên Khê”

Nhằm nâng cao công tác quản lý, khai thác giá trị NHTT “Liên Khê” dự án đã phối hợp với huyện Thủy Nguyên, UBND xã Liên Khê và HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê thống nhất mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê”:

Sơ đồ 1: Mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê”

anh-chup-man-hinh-2023-03-09-luc-171542-1678356967.png

Qua sơ đồ trên đã thể hiện rõ các mối quan hệ của tác nhân trong mô hình:

- Hợp tác xã: Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê có trách nhiệm quản lý, theo dõi quy trình sản xuất na của người nông dân theo quy trình Vietgap hay quy trình sản xuất truyền thống theo hướng an toàn đủ tiêu chuẩn đóng gói, thu gom sản phẩm, phân loại, dán tem nhãn NHTT “Liên Khê” lên quả na và tổ chức hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Hợp tác xã còn tiếp nhận các thông tin về KHKT, những hỗ trợ về sản xuất, quản lý trong việc sử dụng NHTT “Liên Khê” của Phòng NN và PTNT huyện, Phòng kinh tế và hạ tầng huyện, UBND xã Liên Khê để triển khai xuống hộ sản xuất.

- Người trồng na: Người trồng na có trách nhiệm tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất na và các quy định về quản lý và sử dụng NHTT “Liên Khê”, sau khi thu hoạch cung cấp sản phẩm cho HTX để cùng nhau tiêu thụ sản phẩm dưới mẫu bao bì chung, tem nhãn chung.

- UBND xã Liên Khê: Hỗ trợ KHKT và tổ chức sản xuất để hình thành nên những vùng sản xuất na tập trung.

- Phòng NN và PTNT huyện Thủy Nguyên: Có nhiệm vụ hỗ trợ quản lý quy trình kỹ thuật trồng na của hộ sản xuất để đảm bảo năng xuất, chất lượng sản phẩm.

- Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thủy Nguyên hỗ trợ quản lý khoa học liên quan đến việc sử dụng NHTT “Liên Khê”.

2.2. Hoàn thiện hệ thống văn bản phục vụ cho việc quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê”

Dự án đã phối hợp với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê hoàn thiện và ban hành các văn bản phục vụ cho việc quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê”, bao gồm:

- Quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Liên Khê”: Quy chế này được chủ sở hữu nhãn hiệu là HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Liên Khê ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-HTX ngày 29/6/2022. Quy chế gồm 7 chương và 28 điều.

- Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng NHTT “Liên Khê”: Quy trình này được chủ sở hữu nhãn hiệu là HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Liên Khê ban hành theo Quyết định số 05/QĐ-HTX ngày 29/6/2022. Quy chế gồm 3 Chương, 12 Điều.

- Quy định kỹ thuật sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm: Quy định kỹ thuật này được chủ sở hữu nhãn hiệu là HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Liên Khê ban hành với các quy định ở các công đoạn khác nhau trong sản xuất na từ giống, thời vụ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thụ phấn bổ sung, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói, vận chuyển.

- Hệ thống sổ sách theo dõi, kiểm tra NHTT “Liên Khê”: Hệ thống sổ sách theo dõi, kiểm tra NHTT được ghi chép giúp chủ sở hữu NHTT quản lý và kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hữu hiệu, thấy được sự phát triển của sản xuất, lưu thông sản phẩm, và từ đó giúp hoạch định kế hoạch phát triển và quản lý thương hiệu được tốt hơn.

2.3. Các hoạt động trong mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê”

2.3.1. Quản lý nội bộ NHTT “Liên Khê”

Đây là hoạt động của tổ chức tập thể trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ quy chế quản lý nội bộ NHTT của các thành viên và tổ chức thành viên trong hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang NHTT.

HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Liên Khê đảm nhiệm công việc quản lý chất lượng nội bộ NHTT “Liên Khê”. Cơ cấu tổ chức của hệ thống quản lý nội bộ được phân cấp gồm có 3 cấp như sau: Đơn vị nhỏ nhất của hệ thống là hộ nông dân (các hộ nông dân giám sát lẫn nhau trong sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm), đơn vị tiếp theo là cấp xom và cuối cùng là cấp HTX. Tuy nhiên trong thực tế việc quản lý nội bộ này ít được thực hiện. Các hộ vẫn tự sản xuất và không có sự kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau của các hộ sản xuất cũng như sự giám sát của HTX.

Các công cụ quản lý nội bộ NHTT “Liên Khê” gồm có Quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Liên Khê”. Tuy vậy, hệ thống công cụ quản lý này vẫn thiếu một số văn bản như quy định kỹ thuật sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm, Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng NHTT “Liên Khê”, Hệ thống sổ sách theo dõi việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu và Sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng NHTT “Liên Khê”. Đây là những tài liệu cần thiết phục vụ cho việc quản lý và sử dụng NHTT “Liên Khê”.

2.3.2. Quản lý bên ngoài NHTT “Liên Khê”

Đây là hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ các quy định về sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang NHTT.

Hệ thống quản lý bên ngoài NHTT “Liên Khê” gồm 3 cơ quan chính: UBND xã Liên Khê, Phòng NN và PTNT huyện Thủy Nguyên và Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Thủy Nguyên.

- UBND xã Liên Khê: Hỗ trợ KHKT và tổ chức sản xuất để hình thành nên những vùng sản xuất na tập trung.

- Phòng NN và PTNT huyện Thủy Nguyên: Có nhiệm vụ hỗ trợ quản lý quy trình kỹ thuật trồng na của hộ sản xuất để đảm bảo năng xuất, chất lượng sản phẩm.

- Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thủy Nguyên hỗ trợ quản lý khoa học liên quan đến việc sử dụng NHTT “Liên Khê”.

2.3.3. Hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm QR code

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sản phẩm an toàn và có nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cần được chú trọng trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc sẽ tạo cơ sở niềm tin và sự trung thành trong tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng.

Đối với nhà sản xuất và quản lý, hệ thống truy xuất nguồn gốc là cơ sở để quản lý nội bộ chất lượng của sản phẩm và quản lý trong suốt chuỗi giá trị sản phẩm trên thị trường từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm na Liên Khê đã được xây dựng nhưng thông tin về sản phẩm, thông tin người sản xuất và một số thông tin liên hệ khác để giúp người tiêu dùng có thể liên hệ, phản ánh những yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại trực tiếp với HTX.

anh-chup-man-hinh-2023-03-09-luc-171502-1678356979.png

 Thông tin trên hệ thống quy xuất nguồn gốc sản phẩm na Liên Khê

2.4. Hệ thống khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê”

Để khai thác và phát triển giá trị NHTT “Liên Khê” dự án đã hỗ trợ HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê các công cụ quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một số siêu thị, cửa hàng hoa quả ở Hải Phòng, Hà Nội, đồng thời quảng bá sản phẩm trên các thông tin đại chúng như đăng 2 bài báo, làm phóng sự giới thiệu sản phẩm phát triển kênh truyền hình VTC16, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tờ rơi, poster,...

anh-chup-man-hinh-2023-03-09-luc-171755-1678357124.png

III. KẾT LUẬN

Để quản lý và khai thác tốt giá trị của NHTT “Liên Khê” sau khi bảo hộ cần phải hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và sản phẩm.

Dự án Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Liên Khê” cho sản phẩm quả na của xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng đã hỗ trợ HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê hoàn hiện mô hình quản lý với sự tham gia của nhiều bên vào mô hình và cùng với đó là các công cụ giúp quản lý và khai thác hết giá trị sản phẩm mang NHTT “Liên Khê”.