Tấm ảnh xưa

Dọn dẹp nhà cửa, giở hộp lưu giữ thư ảnh trong chiếc ba lô kỷ vật từ ngày đi bộ đội. Đại tá, nguyên Bí thư đảng ủy nhà máy đóng tầu 46 Hải Quân tại Hải Phòng - Ngô Xuân Dương vui mừng tìm thấy tấm ảnh và cuốn sổ nhỏ.
dt1ab1-1722065083.jpg
 

Ông bồi hồi nhớ lại. Đầu tháng 9 1971, các nam sinh viên lớp Kinh tế Nông Nghiệp khóa 12 ĐH.Kinh tế Kế hoạch nay là ĐH Kinh tế Quốc Dân rủ nhau ra Công viên Thống Nhất chụp ảnh kỷ niệm trước khi lên đường nhập ngũ. Trong ảnh từ trái qua phải là Thái - Vinh - Tâm - Hồng - Dương . Bốn Sinh viên Thái - Vinh - Hồng - Tâm nhập ngũ 6/9/1971. Ngô Xuân Dương nhập ngũ 5/1972.

dt2ab2-1722065211.jpg
 

Sau 30/4/1975 chỉ còn một người sống sót. Đó là Ngô Xuân Dương. 4 Sinh viên Thái - Vinh - Hồng - Tâm đã hy sinh. Hiện nay nhóm tri ân Thân nhân Liệt sỹ chưa tìm thấy tin tức đầy đủ của Liệt sỹ Thái. 3 Liệt sỹ còn lại có tên trong đền thờ Liệt sỹ của Trường ĐH.KTQD.

Ông Dương cho biết, lớp Vật Giá K12 của ông nhập ngũ hai lần 6/9/ 1971 và 25/5/1972 tất cả 7 người. Hiện còn Thái, Châu Hường chưa tìm thấy thông tin.

dt3ab3-1722065266.jpg
 

Điều xót xa là " lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng". Trong 4 liệt sỹ trong ảnh thì bố hoặc mẹ của họ còn sống. Riêng liệt sỹ Phạm Văn TÂM còn cả bố cả mẹ, khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ ông 97 tuổi, cụ bà 98 tuổi. Đó là trường hợp rất hiếm của các liệt sỹ. Liệt sỹ Lê Xuân Vinh còn mẹ, năm nay 96 tuổi. Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Hồng còn bố năm nay 96 tuổi, cụ còn khỏe mạnh minh mẫn.

Liệt sỹ Phạm Văn Tâm còn cả bố và mẹ. Hai cụ rất vui khi đoàn CCB đến thăm lần nữa nhân dịp TBLS. Trước đó Nhóm Thân nhân gia đình Liệt sỹ trường ĐHKTQD đã đến thăm gia đình hai lần.

dt4ab4-1722065325.jpg
 

Trường ĐHKTQD năm nào cũng có thư hỏi thăm và quà cho thân nhân gia đình Liệt sỹ. Đến hôm nay 27/7/2024, các gia đình Liệt sỹ thông báo đã nhận được thư của Hiệu trưởng nhà trường và quà của hội CCB nhà trường. Một nghĩa cử cao cả của lãnh đạo nhà trường đã thực hiện nhiều năm nay.

Ông Ngô Xuân Dương nhập ngũ 5/1972 sau 4 đồng đội trong ảnh 1 năm. Sau khi tập bộ binh ở Thanh Hóa ông cùng 180 chiến sỹ được điều động về Hải Quân. Tập đặc công ở đội 5 đoàn đặc công nước e126. Ông tham gia rà phá thủy lôi trên cửa Nam Triệu. Sau giải phóng, ông tiếp tục phục vụ quân đội đến khi về hưu với quân hàm đại tá nâng lương lần hai.

dt5ab5-1722065373.jpg
 

Khi tìm được tấm ảnh ông vội vã đăng lên nhóm Thân nhân Liệt sỹ trường ĐH.KTQD Trưởng nhóm lập tức tổ chức chuyến về thăm gia đình Liệt sỹ Vinh, Hồng, Tâm với sự có mặt của Ngô Xuân Dương, người duy nhất trong ảnh còn sống đã làm gia đình Liệt sỹ Tâm cùng bà con có mặt cảm động rơi nước mắt.

Ông Ngô Xuân Dương đã cho gia đình xem cuốn sổ lưu niệm có nhiều trang viết về Tâm bạn thân, có nhiều trang còn lưu bút tích của Tâm. Hai anh đã đổi áo cho nhau làm kỷ niệm. Ở cùng phòng trong Ký túc xá. Dương nằm tầng trên, Tâm nằm tầng dưới. Đêm trước ngày Tâm nhập ngũ, Dương xuống ngủ chung với Tâm. Họ tâm sự, chuyện trò đến sáng. Hai bạn cởi áo đổi cho nhau để nói rằng: " Lúc nào chúng ta cũng bên nhau"

Tại gia đình Liệt sỹ Tâm hôm ấy, Dương đã đọc cho bố mẹ Tâm nghe những đoạn nhật ký nói lên tình bạn của hai người. Họ hẹn nhau ngày chiến thắng sẽ về nhà nhau chơi.

Chiến tranh đã cướp đi người bạn thân của ông Ngô Xuân Dương. Phạm Văn Tâm hy sinh anh dũng ngày 30/5/1972.

Đất nước, gia đình, bạn bè, đồng đội luôn nhớ và ghi ơn công lao của anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hà Nội ngày 27/7/2024

T.H.Q