TS. Lê Thành Ý: Phân bón trong nông nghiệp vấn đề nan giải đối với hàng chục triệu hộ nông dân

Phân bón là đầu vào không thể thiếu của sản xuất. Trong nông nghiệp nước ta, chi phí phân bón hàng năm chiếm từ 40% đến 45% giá trị đầu vào của sản xuất, giá cả gia tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nông sản. Chi phí đầu vào tăng khiến nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, gây tác động bất lợi đối đối với thu nhập của hàng chục triệu hộ nông dân.

Giá phân bón tăng cao trong 50 năm gần đây không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghịệp mà còn làm cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Từ thực trạng phân bón nước ta, bài viết đề cập đến một số vấn đề cần được quan tâm.

Khái quát về phân bón nông nghiệp và vấn đề đặt ra.

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Chất dinh dưỡng trong phân là các nguyên tố hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Theo nguồn gốc nguyên liệu và quá trình sản xuất, phân bón được chia thành các dạng phân hóa học, hữu cơ và vi sinh.

Phân hóa học còn gọi là phân vô cơ, là loại sản xuất từ nguyên liệu vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp được xử lý bằng hóa chất hoặc chế biến khoáng sản. Phân hữu cơ là những loại sản xuất từ chất hữu cơ tự nhiên thông qua quá trình vật lý hoặc sinh học  Riêng phân sinh học được sản xuất qua xử lý sinh học những chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc trong thành phần có chứa chất sinh học như axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác.

Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là loại vật tư quan trọng, góp phần đáng kể để tăng năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. Theo Viện Dinh dưỡng cây trồng quốc tế (IPNI), phân bón đóng góp khoảng 30-35% vào tổng sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng, nó lại chính là một tác nhân gây ô nhiễm môi trường sản xuất và đời sống.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, do nhu cầu an ninh lương thực và vì mục đích lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất đã đưa ra một lượng lớn hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Việc lạm dụng chất hóa học đã làm đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chai cứng; hệ sinh thái mất cân bằng và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt khác, cây trồng hấp thụ nhiều chất độc hại không phân giải hết, còn tồn dư trong nông sản đã ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe con người. Do vậy, trong thâm canh nông nghiệp, bón phân hữu cơ vi sinh đang trở thành xu hướng phục hồi tái tạo lại sự cân bằng, trả lại cho đất độ phì nhiêu, giúp nông dân tiết kiệm chi phí đồng thời với đa dạng hóa mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững.

Canh tác bền vững là đòi hỏi lâu dài của sản xuất nông nghiệp. Thực hiện yêu cầu này, phải thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phân bón trong đầu tư nông nghiệp. Theo đó, hoạt động truyền thông đối với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp cần được tăng cường. Mặt khác phải tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ sinh học phục vụ cho nền nông nghiệp bền vững.

Theo các nhà nghiên cứu, để đạt hiệu quả cao trong sử dụng phân bón cần áp dụng 4 nguyên tắc cơ bản, đó là sử dụng đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Tuy nhiên, không phải lúc nào nông dân cũng thực hiện đúng và đủ nguyên tắc trên đây.  Người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, gắn bó với cây lúa rất hiểu vai trò và sự cần thiết phải bón phân; cần bổ sung thêm lượng cần thiết đạm (N),lân (P) và  kali (K) để bón lót. Song trên thị trường hiện có rất nhiều chủng loại, đa dạng về mẫu mã gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt khi thiếu kiến thức sử dụng, dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí còn mua phải phân giả gây thiệt hại lớn trong sản xuất và kinh tế gia đình.

Thực trạng phân bón nông nghiệp  và những giải pháp cần  làm

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Tổng lượng phân sử dụng trong năm 2020 đã lên tới 10,23 triệu tấn, trong đó có 7,6 triệu tấn phân vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ.

Từ năm 198 đến nay, mức tiêu thụ phân đạm hàng năm tăng trung bình 7,2%; phân lân tăng 13,9% và phân kali có mức tăng cao nhất 23,9%. Tổng lượng sử dụng N + P2O5 + K2O trong 15 năm qua tăng trung bình 9,0%/ năm và theo nhiều dự báo  trong thời gian tới, con số này sẽ lên khoảng 10%/năm,

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng phân vô cơ các loại sản xuất đạt 4,69 triệu tấn, (tăng 11,7% so cùng kỳ 2020) và nhập khẩu khoảng 2,31 triệu tấn (tăng gần 15%). Ngoài ra; cả nước còn có 500 cơ sở sản xuất phân hữu cơ với quy mô từ vài ngàn cho đến hàng trăm ngàn tấn/năm.

Theo Cục trưởng Cục Hóa chất Bộ Công Thương Nguyễn Văn Thanh từ tháng 7 năm 2020 đến nay, nhất là những tháng gần đây, giá phân bón có chiều hướng tăng cao trong khi nguồn cung lại có xu hướng giảm. Ngành sản xuất phân bón trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã nhận thức được tác động của việc tăng giá này, do vậy, ngay từ Quý I/2021, liên Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước và đề nghị giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Một trong những mục tiêu hàng đầu của xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập cho người nông dân. Để làm được điều này cần là thúc đẩy mạnh sản xuất thông qua các chính sách và cơ chế hỗ trợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nay, người nông dân đang phải gánh chịu những tác động bất lợi trực tiếp từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào làm cho giá cả sản xuất gia tăng. Đối với hàng chục triệu hộ nông dân, việc tăng giá phân bón sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, bởi giá phân bón và nguyên liệu đầu vào của sản xuất đều tăng cao, trong khi sản phẩm làm ra giá lại không tăng tương ứng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt nam Nguyễn Chí Ngọc cho biết, tổng nhu cầu phân bón hàng năm từ 11đến 12 triệu tấn; lượng sản xuất hàng năm thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng lại có sự khác nhau về chủng loại. Do trong nước thiếu nguyên liệu sản xuất nên nhiều loại phải nhập khẩu hoàn toàn. Đối với các sản phẩm phân bón DAP và MAP, sản lượng sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 86% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu.

vvvv-1652068494.jpg

 

Với quy mô của các nhà máy chế biến trong nước, lượng phân hữu cơ làm ra tập trung trong 3 nhóm chính đó là: hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng và hữu cơ vi sinh. Những kết quả điều tra cho thấy, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón hữu cơ phong phú, nhưng điều quan ngại là các nguồn nguyên liệu lại khác nhau cả về thành phần và hàm lượng, nhiều nơi sản xuất thủ công cho ra thị trường hàng loạt sản phẩm không đạt chất lượng, thậm chí còn có những nhân tố gây hại vượt ngưỡng cho phép, khiến người nông dân phải gánh chịu hậu quả khó lường.

Một số giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân được đưa ra bao gồm: Các doanh nghiệp sản xuất phân bón chạy đúng công suất, bảo đảm mục tiêu cung cấp đầy đủ phân bón cho thị trường; sử dụng phân bón tiết kiệm, chuyển đổi sang dùng các loại phân bón khác, kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng;việc phân phối cần có giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo mùa vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất-kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng. Bộ Công Thương cần tiếp nhận để đưa ra quyết định kịp thời trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các cam kết của WTO.

Thay cho lời kết

Phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ khó khăn khi nguyên nhân tăng giá là do giá nguyên liệu tăng cao và việc áp dụng quy định hành chính vào thị trường khó khả thi khi Việt Nam đã tuân thủ những cam kết quốc tế.

Nhằm giảm áp lực tăng giá phân bón, thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam và các cơ quan chức năng chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước tăng sản lượng phân bón hữu cơ để giảm áp lực phụ thuộc vào phân bón vô cơ. Đến nay, sản lượng phân bón hữu cơ đã đạt mức 3 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi kinh tế nông nghiệp sang sản xuất xanh, sạch, sinh thái và bền vững là giảm sử dụng và phụ thuộc vào phân bón vô cơ, tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp.

Hy vọng việc làm của các cơ quan chức năng trong nước sẽ góp phần thiết thực vào không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng nông sản mà còn là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tác động trực tiếp từ giá phân bón, qua đó giảm giá thành sản xuất phân bón và hướng đến nền sản xuất bền vững hơn.