TS Lê Thành Ý: Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với giảm bất bình đẳng xã hội

Những năm gần đây Việt Nam đã xoá đói, giảm nghèo thành công;,nhưng bất bình đẳng đang gia tăng, có thể đe doạ sự phát triển lâu dài. Theo giới nghiên cứu, thu nhập của 210 người siêu giàu đã dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo và chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực trong cả nước.

Bất bình đẳng về kinh tế đi cùng bất bình đẳng giao tiếp và cơ hội khiến những người yếu thế dễ bị lề hoá trong khi lợi ích lại tập trung vào nhóm người giàu. Hàng triệu người dân tộc thiểu số, nông dân sản xuất nhỏ, lao động phi chính thức và phụ nữ khó tiếp cận được với dịch vụ công có nguy cơ bị nghèo hoá,

Để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam cần thực hiện ngay những chính sách tiến bộ; cải thiện việc quả trị nhà nước, thuế, chi tiêu dịch vụ công, quyền lao động và thúc đẩy mạnh sự tham gia của người dân. Bài viết đề cập tới khoảng cách giàu nghèo và giải pháp nhằm góp phần giảm bất bình đẳng ở Việt Nam.

tt1-1662033173.png

Giàu nghèo chỉ cách nhau một bức tường

Xu thế giàu nghèo toàn cầu và trong khu vực

Thế giới đang phải đối mặt với bất bình đẳng gia tăng, Trong 40 năm qua, khoảng cách giữa nhóm người giàu có và những nhóm xã hội khác đã gia tăng đáng kể, khi mà luật lệ kinh tế  thiên về phía người giàu và có quyền lực. Theo kết quả nghiên cứu gần đây, 62 người giầu nhất thế giới đã sở hữu lượng tài sản bằng 1/2 tổng tài sản của những người nghèo toàn cầu và nhóm 1%  người giầu nhất đang sở hữu số tài sản lớn hơn số tài sản của 99% người còn lại. Cùng với chênh lệch về tài sản tài sản toàn cầu gia tăng, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra ở châu Á với thu nhập của nhóm 70% người nghèo nhất giảm trong khi nhóm 10% người giàu nhất lại tăng đáng kể. Xu hướng bất bình đẳng phân hoá rõ rệt, được định hình bởi nhiều tầng phân biệt bao gồm cả đẳng cấp, giai cấp, dân tộc và địa bàn. Ở Bangladesh, cùng một loại công việc, phụ nữ được trả lương ít hơn nam giới tới 23,1% (Oxfam 2016)  

Bất đẳng đã cản trở công cuộc giảm nghèo trong khu vực, khoảng 6,5% dân số (240 triệu người) Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ có thể thoát nghèo cùng cực nếu tăng trưởng không đi cùng bất bình đẳng trong vòng 20 năm qua. Bất bình đẳng khiến trẻ em trong những gia đình thu nhập thấp không có cơ hội phát huy tiềm năng, không chỉ giảm khả năng dịch chuyển xã hội mà còn làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế, tạo bất ổn định và nảy sinh khủng hoảng tài chính và xã hội (ADB 2014)

Thực trạng phân hoá giàu nghèo ở Việt Nam

Những năm gần đây, thu nhập trung bình ở Viêt Nam liên tục gia tăng và số người nghèo đã giảm rõ rệt, Gần 30 triệu người đã vượt được chuẩn nghèo, chỉ số phát triền con người (HDI) tăng đáng kể và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009. Mặc dù có những thành công, song trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động phức tạp của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại và tương lai còn nhiều bất định.

357e46f3-9972-430d-978c-5df8ec992c1a-1662033196.jpeg

Bất bình đẳng ở khắp mọi nơi 

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (W.B) cho thấy, bất bình đẳng ở Việt Nam gia tăng trong những thập niên đã qua. Vào năm 2012, nhóm10% người giàu nhất có thu nhập cao gấp 1,74 lần nhóm 40% người nghèo; khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu và các nhóm khác gia tăng mạnh từ năm 2004 và số người siêu giàu ngày một gia tăng. Tư liệu thu nhận được còn cho thấy,210 người siêu giàu có tổng tài sản tương đương 12% GDP cả nước và theo dự báo, lượng người siêu giàu (có tài sản trên 30 triệu USD) vào năm  2025 sẽ vượt qua mốc 400.

Theo tính toán của Oxfam, người giàu nhât Viêt nam có thu nhập một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất làm việc trong 10 năm. Cùng với khối tài sản lớn là tiềm năng tín dụng khổng lồ. Trong 1 giờ, người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn 5.000 lần số thu nhập mà nhóm 10% người nghèo nhất chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu.

 Bất bình đẳng kinh tế càng trầm trọng hơn bởi tình trạng nghèo về tiếng nói và cơ hội của những người yếu thế như nhóm DTTS, nông dân sản xuất nhỏ, lao động nhập cư và phụ nữ ,do họ không tiếp cận được các dịch vụ và bị phân biệt đối xử. Trong các nhóm cư dân, người Kinh và Hoa thường có mức sống khá giả. Ngược lại, các dân tộc khác tỷ lệ nghèo còn cao, họ chiếm chưa đầy 15% dân số, nhưng lại có tới 70% số hộ nghèo cùng cực trong những năm 2010-2014. Trong khi 49% số hộ người Kinh và Hoa có thu nhập thấp nhất chuyển được lên mức thu nhập cao hơn, thì ở các nhóm dân tộc khác chỉ có 19%.

Bất bình đẳng về giới cũng khá rõ. Trong nhiều thế hệ, lao động nữ thường thiếu kỹ năng và ít được đào tạo; cùng một loại việc làm, trung bình thu nhập của nam thường cao hơn nữ tới 33%.

Giáo dục có nhiều tiềm năng cải thiện khả năng chuyển dịch xã hội và giải quyết bất bình đẳng cùng cực, song đang còn nhiều bất cập. Trẻ em gái, cộng đồng DTTS và nhóm người nghèo nhất vẫn chưa được hưởng đầy đủ dịch vụ công. Tỷ lệ nhập học trung học phổ thông ở nhóm người Kinh và Hoa đã vượt 65% trong khi nhóm DTTS chỉ dao động trong khoảng 14%. Nhóm người chịu thiệt thòi ở Việt Nam còn thiếu hiểu biết về quyền của mình và thiếu khả năng tiếp cận thông tin. Người dân thiếu thông tin và kỹ năng để hiểu những vấn đề về thuế và ngân sách, họ chưa thấy rõ quyền được tham gia vào các quá trình này. Trong khi nhóm giàu nhất có khả năng gây ảnh hưởng chính sách có lợi cho mình, thì những người nghèo nghiêm trọng lại chưa được quan tâm khêu gợi, khiến họ tiếp tục bị kẹt ở đáy bậc thang kinh tế xã hội.

Theo các nhà phân tích, mặc dù tăng trưởng và giảm nghèo ở Việt Nam có những thành công đáng trân trọng, nhưng các cam kết chưa đủ thuyết phục, có nhiều bằng chứng cho thấy, phân biệt đối xử vẫn còn là thách thức và hiệu quả giàm nghèo cho đồng bào DTTS ở những nơi nghèo nhất vẫn còn hạn chế, thiếu sự tham gia của các ngành hữu quan và chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Trước những thách thức đặt ra, quản trị nhà nước là vấn đề lớn. Người dân còn thiếu niềm tin về thể chế, bộ máy hành chính cồng kềnh; thiếu minh bạch và tham nhũng đang còn là vấn đề nhức nhối

Tăng trưởng kinh tế và những chính sách theo đuổi trong những thâp niên qua đã giúp Việt Nam giảm nghèo, nhưng khoảng cách giầu nghèo đang có xu hướng gia tăng. Với thu nhập nông nghiệp và sản xuất công nghiệp tăng từ 10% đến 20% đối với nhóm người giàu, tình trạng bất bình đẳng đã tăng lện trong thời gian qua.( Sumik và cộng sự 2016).

Nghiên cứu tình trạng thu nhập của các nhóm dân cư khác nhau trong nhiều thập niên cho thấy, trong 20 năm (từ 1992 đến 2012} tỷ lệ thu nhập của nhóm 10% cao nhất tăng 17% so với nhóm 40% thấp nhất (từ tỷ lệ 1,48 đã tăng lên 1,74), xu hướng bất nình đẳng này được giải thích bằng thu nhập của nhóm 40% thấp nhất giảm tới 12% ( từ 19,33% xuống còn 17,28%).

Bất bình đẳng về thu nhập và khả năng tiếp cận với các dịch vụ công còn trở nên phức tạp hơn bởi nhóm người yếu thế không thể lên tiếng đòi hỏi hoặc có cơ hội dễ dàng như những nhóm khác. Nhóm người chịu thiệt thòi thường thiếu hiểu biết và có rất ít không gian để lên tiếng về quyền của mình; họ thiếu khả năng tiếp cận thông tin pháp luật, dịch vụ, đất đai và thị trường hoặc những quyết định chính trị. Nhìn chung, nhóm này thiếu khả năng thương lượng với doanh nghiệp nên phải chịu thiệt thòi về sinh kế và thu nhập.

 Những nghiên cứu của tổ chức Oxfam về sự  tham gia của người dân vào việc ra các quyết định và đời sống chính trị còn cho thấy,sự tham gia còn thấp, kể cả những vấn đề về đất đai. Thực tế  cho thấy, những lo ngại của người dân chưa được chuyển hoá thành hoat động dân sự khiến họ có thái độ thờ ơ và thiếu niềm tin,

Các quốc gia bất bình đẳng thu nhập cao thường mang đặc điểm phân biệt đối xử và bất bình đẳng cơ hội lớn. Ở Việt Nam bất bình đẳng tiếng nói thường đi cùng phân biệt đối xử và thiếu sự tham gia của các nhóm chịu thiệt thòi trong hoạch định và thực hiện chính sách. Hậu quả dẫn đến là các dạng bất bình đẳng cơ hội, tình trạng lề hoá và cơ hội chuyển dịch xã hội còn hạn chế. Những người nghèo hưởng lợi kém mãi vẫn nghèo, họ ít được lắng nghe với tư cách cá nhân. Thiếu khả năng dịch chuyển nấc thang xã hội có thể theo thời gian, nhưng mối liên kết giữa các yếu tố bất bình đẳng đã cho thấy là do hạn chế tiếp cận  cả về cơ hội, tiếng nói  và cách thức thực hiên chính sách,

Mặc dù Hiến pháp đảm bảo không phân biệt đối xử, nhưng nhiều người chịu thiệt thòi còn bị kỳ thị, họ không được hưởng một số chính sách và dịch vụ; thanh niên các DTTS bị lề hoá xã hội cao so với thanh niên dân tộc đa số sống trong những gia đình khá giả,

Bình đẳng cơ hội cho rằng, mọi người đều có cơ hội dịch chuyển lên nấc thang xã hội cao hơn trong đời sống hoặc từ thế hệ này đến thế hệ sau. Độ co dãn theo thế hệ ở Việt Nam là 0,36 đồng nghĩa với thu nhập của cha mẹ tăng được 1% thì thu nhập của con cái sẽ tăng 0,36%. Dịch chuyển theo thế hệ là cơ hội tốt cho các gia đình khá giả, nhưng lại là tín hiệu không vui cho nhóm người nghèo. Bất bình đẳng là mối quan tâm đối với người Việt, các dạng bất bình đẳng cản trở đi lên là những vấn đề đáng quan ngại.

Người dân có chấp nhận hay không tình trạng bất bình đẳng phụ thuộc vào nhận thức về cơ hội để dich chuyển lên nấc thang xã hội, Ban đầu người ta dễ chấp nhận với kỳ vọng bắt kịp mức sống tốt hơn; nhưng nếu kỳ vọng không xảy ra cũng dễ dẫn đến xung đột xã hội.  Nhìn chung, nhận thức về bất bình đẳng và tác động của vấn đề này đang còn hạn chế cả trong giới hoạch định chính sách và đối với mỗi người dân.

Về  những chính sách nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng

Nghèo đói và bất bình đẳng không phải là vấn đề tất yếu. Mọi quốc gia đều có thể thực hiện chính sách nhằm giảm số người nghèo và thúc đẩy bình đẳng xã hội. Mô hình kinh tế Việt Nam từ sau chủ trương Đổi mới đã có nhiều thành công, nhờ tạo được mức tăng trưởng cao và giúp người dân thoát nghèo để có cuộc sống khá giả hơn; chính sách dịch vụ công đã góp phần tăng trưởng tạo phúc lợi, giữ vai trò quan trọng trong quá trình này, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện khả năng điều chỉnh chính sách kinh tế theo hoàn cảnh thông qua thực hiện những gói kích cầu tạo điều kiện thực hiện chính sách bình đẳng, không phân biệt đối xử. Thông qua chính sách thu hẹp khoảng cách giầu nghèo trong các nhóm DTTS, những huyện nghèo nhất nước đã có những chuyển biến tich cực, Tuy nhiên, hiệu quả và tác động mang lại vẫn còn hạn chế.Nhiều chính sách hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp có những tồn tại nhưng chưa được xem xét theo góc nhìn bất bình đẳng. Nghiên cứu, rà soát toàn diện chính sách phát triển cho thấy. nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo chưa thực sự phù hợp với nhu cầu và ưu tiên cần thiết và điều đáng quan ngại là, quá trình hoạch định chính sách thường không có sự tham gia của người dân.

Ở nước ta, nhiều đạo Luật đã được ban hành tạo môi trường thông thoáng cho quản trị nhà nước. Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 nhằm xây dựng hệ thống hiệu quả từ Trung ương đến các cơ sở đã thúc đẩy dân chủ và pháp quyền, đảm bảo thực thi các quyền dân chủ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song hệ thống hành chinh nhà nước vẫn còn khiếm khuyết. Quá trình ra quyết định thiếu minh bạch,thủ tục quan liêu, phản hồi chậm và tham nhũng là hiện tượng còn phổ biến ở nhiều cấp chính quyền, khiến hệ thống dịch vụ công chưa vận hành theo đúng chức năng, đã gây bất bình, giảm lòng tin, ảnh hưởng đến đời sống người nghèo và phát triển bền vững. Chỉ số hiệu quả Quản lý hành chính công (PAPI) và nhận xét của W.B đều cho rằng Việt Nam đang ở mức minh bạch thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Nghiên cứu khung chính sách hiện hành giới nghiên cứu cứu nhận xét, chưa đủ để xoá bỏ các dạng nghèo và tình trạng lề hoá hoặc giải quyết các dạng bất bình đẳng ngày càng phát triển. Các lựa chọn chính sách càng trở nên khó khăn hơn do ngân sách bị cắt giảm đáng kể và tốc độ tăng trưởng kinh tế đang bị chậm lại. Cho dù còn nhiều thách thức, song các chính sách nhằm giải quyết bất bình đẳng có thể được cải thiện đang kể trong các lĩnh vực bao gồm cả hệ thống thuế, bất cập về dịch vụ công, chi tiêu cho y tế-giáo dục và chính sách đối với người lao động.Từ góc nhìn của Oxfam, một liên minh gồm 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên thế giới nhằm tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công, thì 4 lĩnh vực này đều có những điểm mạnh và mặt yếu cần được cải thiện.

Về hệ thống thuế

Thu Ngân sách nhà nước chủ yếu từ thuế doanh nghiệp. 10 năm đầu thiên niên kỷ mới, tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam đã tăng từ dưới 22% (năm2001) lên 28% vào năm 2010. Trung bình, tỷ lệ tổng thu thuế trên GDP danh nghĩa là 26,7%. Đây là tỷ lệ khá cao so với nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, tình trạng giảm thu ngân sách đã ảnh hưởng đến duy trì vị trí tài chính của   Chính phủ. Thâm hụt tài chính thực tế của những năm 2011-2015 khoảng 5,34% GDP, cao hơn bình quân của 5 năm trước đó và cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra là 5%.

Doanh thu thuế ở Việt Nam chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và thuế xuất nhập khẩu. Từ năm 2011 quy mô thu thuế thu nhập doanh nghiệp có giảm, tổng thu của năm 2015 khoảng 4,35% GDP. Tỷ lệ thuế VAT từ 4,92% (năm 2001) tăng lên 7,09% GDP đã ảnh hưởng lớn đến người nghèo, do họ phải dành phần lớn thu nhập kiếm được cho tiêu dùng mà cùng một loại hàng hoá người giầu và nghèo đều chịu thuế như nhau.

Phân tích những nỗ lực thu thuế của các quốc gia, các nhà nghiên cứu nhận thấy, Việt Nam vẫn còn tiềm năng để thu thêm thuế. Nếu tính tới quy mô và cơ cấu của nền kinh tế. có thể tăng thêm thuế. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lợi nhuận của công ty được đánh thuế ở mức thấp hơn nhiều so với biên độ dao động của thuế thu nhập cá nhân. Mặt khác, chính sách ưu đaĩ thuế riêng cho đầu tư nước ngoài (FDI) đã vượt 5% tổng thu ngân sách nhà nước,Theo đó, các nhà phân tich đã khuyến nghị rà soát lại mức thuế đồng thời đảm bảo đánh thuế luỹ tiến (Oxfam 2016).

Xã hội hoá dịch vụ công

Trong chinh sách xã hội một loạt các loại thuế và phí gọi là xã hội hoá đã ảnh hưởng tới người nghèo Trên thực tế, xã hội hoá là phương tiện huy động vốn trong dân để giảm bớt thâm hụt ngân sách nhà nước. Oxfam nhận xét, đây là một hình thức tạo điều kiện cho tham nhũng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các chính sách liên quan đến xã hội hoá đã tác động tiêu cực tới người nghèo và người có thu nhập thấp (Krozer 2015).

Mở rộng xã hội hoá dịch công bằng cách chuyển đổi các tổ chức dịch vụ thành những doanh nghiêp cung cấp dịch vụ dẫn tới chi phí tự túc và phân quyền quản ký sẽ ảnh hưởng đến người nghèo và người thu nhập thấp. Tình trạng phổ biến trong chi trả phi chính thức thiếu minh bạch tạo hiệu ứng tiếp cận dịch vụ, đẫn đến bất công và không bình đẳng.

Chi tiêu công có vai trò quan trọng để đảm bảo người dân có cơ hội bình đẳng và hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế,tạo bình đẳng về phát triển kinh tế và con người,

Ở Việt Nam, chi tiêu công cho giáo dục đào tạo là động lực quan trọng của phát triển kinh tế và giảm nghèo Đầu tư vào giáo dục là đầu tư cho phát triển con người. Đây là động lực quan trọng để thu hút vốn FDI, phát triển kinh tế và tạo việc làm. Ở châu Á, Việt nam là nước chi cho giáo dục cao hơn mức bình quân chung toàn cầu (5,2% GDP).Từ năm 2000 đã đạt 15,1% tổng chi tiêu công tương đương 5,5% GDP và  lên 20% tổng chi của Chu\ính phủ trong năm 2015.

Chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục đào tạo ở mức cao, chiếm khoảng 30%  tổng chi giáo dục

Trong ngành Y, tài chính là động lực đảm bảo công  bằng y tế và phát triển con người. Tổng chi y tế đã tăng từ 5,2% GDP(năm 1995) lên 6,9% trong năm 2012 và chi bình quân đầu người đã từ 14USD lên 76 USD, tăng 5,4 lần trong cùng thời gian.

Chính phủ Viêt Nam phải liên tục tăng kinh phí cho ngành Y tế, chi ngành đã từ 7,4% tổng chi ngân sách Chính phủ (năm 1995) tăng lên 10% trong năm 2012 và chi cá nhân cũng tăng gần 50% tổng chi. Do chi phí cao, nhiều hộ gia đình phải chịu mức chi lớn dễ rơi vào cảnh nghèo, Ứng phó với những cú sốc ngắn hạn, người ta dùng nhiều cách, phổ biến là bán tài sản, vay nợ hoặc giảm chi cho giáo dục,

Đối phó với sốc thời tiết, chi cho y tế của các hộ dân nông thôn đã tăng từ 9 %đến 17%, mức chi phí này còn cao hơn ở các hộ DTTS sống trong các ku vực chịu nhiều thiên tai.Để đảm bảo mục tiêu công bằng, Chính phủ phải tăng ngân sách y tế cho các nhóm bảo trợ xã hội từ tương đương 750 triệu USD lên 1,4 tỷ USD (tăng 1,9 lần  trong giai đoạn 2011-2015.

Về việc làm và đời sống

 Số đông lao động Việt Nam phụ thuộc vào tiền lương để sinh sống.Vào giữa giai đoạn 2010-2020. Lao động hưởng lương chiếm 34,8% tổng việc làm với mức lương thấp nhất khoảng 125 USD.Lương tối thiểu được tính theo vùng dao động từ 101 đến 146USD/tháng.Trong giai đoạn 2011-2015 lương tối thiểu đã tăng 67%, nhưng chỉ vận dụng cho lao động chính thức và có kỹ năng. Mặc dù mục tiêu tài chính của lương tối thiểu là bảo vệ người lao dộng thu nhập thấp. nhưng tăng lương tối thiểu lại hạn chế thu nhập và giảm lợi  nhuân của nhiều công ty nên trong nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp đã bóp méo bằng giảm quyền lợi mềm hoặ ưu đãi làm việc ngoài giờ để đản bảo lương thực trả không bị ảnh hưởng,

Phân tích toàn cảnh tình hình, giới nghiên cứu cho rằng Việt Nam có thể đồng thời đạt tăng trưởng cao và giảm nghèo, song đang đứng trước khó khăn do tỷ lệ tăng trưởng giảm, thâm hụt ngân sách có chiều hướng gia tăng, khiến phải thắt chặt chi tiêu công và hạn chế một số chính sách về bất bình đẳng.

Nhằm ngăn chặn và giảm nghèo mạnh hơn, các nhà quản lý phải xem xét lại mọi dạng bất hình đẳng và thực hiện những chính sách được minh chứng là có thể giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo và chịu thiệt thòi sẽ không được hưởng lợi từ phát triển kinh tế và khó có được một cuộc sống tốt đẹp. Mục tiêu giảm bất bình đẳng khó đạt tới nếu không có sự cải thiện của các nhóm yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi thông qua cơ chế có sự tham gia của người dân.

Từ thực trạng đất nước, các nhà quản lý và giới nghiên cứu cho rằng, Chính phủ Viêt Nam, xã hội dân sự, truyền thông đại chúng và các tổ chức giám sát thực hiện chính sách giải quyết bất bình đẳng cần xem xét lại những tác động của chính sách cả về mặt thuế, xã hội hoá, dịch vụ công, chi tiêu công; lương,quyền lao động và mạng lưới an sinh xã hôi, giải quyết sinh kế cho người nghèo để xây dựng những giải pháp bền vững trong cuộc đáu tranh nhằm giảm bất bình đẳng xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.