Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tại Bắc Ninh

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn Bắc Ninh, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển du lịch bài bản hơn.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020; khai thác tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 200 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, có ít nhất 2 sản phẩm đạt hạng 5 sao và 3 sản phẩm OCOP về du lịch.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, UBND tỉnh đã thông qua Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025”. Với các nội dung cụ thể: Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng (Quế Võ), làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành), làng Quan họ cổ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh). Thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ cho du khách trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc sống nông thôn tại các điểm Phù Lãng, Viêm Xá, Đông Hồ và vùng phụ cận; thực hành các công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (gốm, tranh dân gian), nghi thức, lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm. Liên kết với các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch đến các điểm triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch, làm phong phú hơn sự trải nghiệm cho du khách để giữ chân du khách ở lại thời gian dài hơn tại điểm du lịch cộng đồng.

bac ninh xay dung thi diem san pham ocop ve du lich hinh 1

Làng quan họ Bắc Ninh

Trong đó, điểm Viêm Xá tại khu vực ven đê sông Cầu sẽ quy hoạch hình thành khu vực vui chơi, giải trí, check in cho du khách; thành lập các tổ/nhóm đưa du khách khám phá sông Cầu, nghe hát Quan họ,… bằng thuyền; phục dựng các phiên chợ vào ngày 4 và ngày 6 tháng Giêng ở làng Diềm; khu vực cho du khách trải nghiệm, thực hành nghi lễ và hoạt động khác của người quan họ; xây dựng bảo tàng mini trưng bày các sản phẩm văn hóa đã được số hóa (đình, đền, chùa, miếu và truyền thuyết về Đền Cùng - Giếng Ngọc, Thủy tổ Quan họ)…

Tại làng gốm Phù Lãng, quy hoạch địa điểm để trưng bày, giới thiệu lịch sử, trải nghiệm làm gốm Phù Lãng và gốm Việt Nam nói chung. Số hóa tranh ảnh, hiện vật về nghề gốm Phù Lãng qua các thời kỳ; hình thành các khu vực cắm trại, dã ngoại ngoài trời, khu vực tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí khác, trồng lúa nghệ thuật (tanbo Art) và xây dựng 1-2 đài cao để du khách có thể ngắm từ trên cao; Cải tạo giao thông nội đồng cho du khách tham gia trải nghiệm, tham quan đồng lúa, đặc biệt vào mùa lúa chín; đường trong làng trồng hoa, cây cảnh quan...

Làng tranh Đông Hồ, tại Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tranh Đông Hồ sẽ bố trí các khu vực trải nghiệm khác nhau cho du khách liên quan đến nghề làm tranh truyền thống (tạo màu, in tranh, phơi tranh, chợ,…); tái hiện các hình ảnh (phơi tranh, chợ tranh Tết,…) đã được nhà thơ Hoàng Cầm đề cập đến trong bài thơ “Bên thơ kia sông Đuống”; Chỉnh trang, trồng hoa, cây cảnh tạo không gian, cảnh quan cho du khách tham quan, check in; hình thành các tour khám phá lịch sử, cuộc sống cư dân hai bờ sông Đuống.

Theo ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong quá trình xây dựng nội dung đề án Sở đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát cụ thể tại các điểm xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch và xin ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương đặc biệt là 3 xã (phường) nơi triển khai sản phẩm OCOP du lịch. Đa số các ý kiến đều nhất trí, tán thành với nội dung đề án, một số ý kiến đóng góp tập trung vào dự toán kinh phí thực hiện, nhiệm vụ của các sở, ngành trong tổ chức thực hiện. Sở đã tiếp thu, bổ sung trong hoàn chỉnh đề án.

Với việc triển khai Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025” không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, hệ thống các di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, có trách nhiệm, mang bản sắc đặc trưng văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc mà còn bảo tồn văn hóa, giới thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa cư dân địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng phù hợp với các chủ trương của Đảng, nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương; mang tính khả thi cao, huy động, lồng ghép được các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và phù hợp với chủ trương phát triển bền vững. Vì vậy, mỗi đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai các phương án hoạt động tốt nhất, chuẩn bị các gói sản phẩm dịch vụ du lịch và OCOP chất lượng.

Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân là cách thức thổi hồn văn hóa bản địa, giá trị kinh tế vào các sản phẩm OCOP trong không gian du lịch và nông thôn mới ở Bắc Ninh.