Bình Phước: Bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập bằng mã QR 

PV
Theo TTXVN: Tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chỉ với một thao tác quét mã đơn giản bằng điện thoại, du khách đã có thể tiếp cận kho dữ liệu về từng loài cây giữa đại ngàn.
Chú thích ảnh Mã QR trên cây rừng ở vườn quốc gia Bù Gia Mập giúp dễ dàng tra cứu thông tin, bảo vệ và phát triển rừng. 

Những chiếc mã QR được gắn trên các cây di sản không chỉ giúp kết nối con người với thiên nhiên bằng công nghệ, mà còn là bước chuyển mình quan trọng trong hành trình bảo tồn và Phát triển rừng theo hướng hiện đại, bền vững.

Với tâm huyết bảo tồn và giới thiệu giá trị rừng theo cách hiện đại, toàn bộ các cây di sản tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã được gắn mã QR. Chỉ cần một thao tác quét nhẹ trên điện thoại, cả một kho tri thức về từng loài cây từ tên gọi, công dụng đến môi trường sinh trưởng sẽ hiện lên đầy đủ, trực quan và hấp dẫn.

Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền du lịch và cứu hộ bảo tồn, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập Đỗ Trường Giang cho biết: Tính đến nay, toàn bộ hệ thống cây di sản tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đều đã được gắn mã QR. Đây không chỉ là một cải tiến kỹ thuật đơn thuần, mà còn là bước đi chiến lược trong quá trình chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Theo ông Đỗ Trường Giang, việc gắn mã QR lên cây rừng, không chỉ là bước đi công nghệ mà đã và đang mở ra một không gian học tập, trải nghiệm và tuyên truyền đầy hiệu quả. Nhờ đó, người dân có thể tiếp cận thông tin về cây rừng một cách trực quan, chủ động và dễ dàng. Đây cũng là cách để nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của rừng trong đời sống, đồng thời tạo động lực để mỗi người trở thành một “hướng dẫn viên” góp phần lan tỏa tinh thần yêu rừng, giữ rừng.

“Việc gắn mã QR lên cây rừng còn là một phần trong bức tranh tổng thể về chiến lược bảo tồn hiện đại tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào từng lĩnh vực đời sống. Thay vì những bảng tên gỗ đơn điệu, với mã QR, du khách sẽ dễ dàng nhận diện cây, hiểu công dụng, biết rõ tình trạng phân bố chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh”, ông Giang chia sẻ.

Là người con sinh ra và lớn lên cạnh “bìa rừng”, em Trần Huyền Trang, đoàn viên thanh niên, ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập vô cùng vui mừng xen lẫn thích thú khi những cây rừng được khoác trên mình chiếc áo công nghệ mang tên mã QR. Theo em Trang, việc gắn mã QR cho cây rừng sẽ giúp mọi người dân, du khách và đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên thêm gần gũi, yêu rừng hơn. Và điều quan trọng nhất, nữ đoàn viên trẻ cho rằng, với mã QR, cây rừng sẽ dễ dàng được nhận biết thông tin, vì chỉ cần sử dụng điện thoại quét vào là mọi thông tin từ loài cây, tuổi đời, công dụng…của cây sẽ được hiện ra ngay lập tức.

“Việc ứng dụng công nghệ QR vào giáo dục cộng đồng cũng là cách để “cởi trói” thông tin về rừng khỏi giới hạn của sách vở. Người dân không cần học thuộc lòng tên gọi khoa học, mà vẫn có thể truyền tải câu chuyện về rừng qua quét mã QR. Từ đó, tri thức không còn là độc quyền của nhà nghiên cứu hay hướng dẫn viên, mà trở thành của chung khi ai cũng có thể tiếp cận, chia sẻ và lan tỏa”, đoàn viên Trần Huyền Trang chia sẻ.

Là người thường xuyên đi du lịch trải nghiệm, nhưng đến với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, bà Huỳnh Thu Thủy, ở thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh không khỏi bất ngờ xen lẫn thích thú khi cây rừng được gắn mã QR. Theo bà Thủy, đây là cách làm rất tiên phong, hiện đại, không chỉ giúp du khách dễ dàng tìm hiểu về rừng, mà còn tạo cảm giác chủ động, hứng thú trong quá trình khám phá.

“Lần đầu tiên nhìn thấy cây rừng được gắn mã QR, tôi vô cùng thích thú xen lần cảm giác tự hào về rừng. Theo tôi cách làm này rất hữu ích, đặc biệt là với thế hệ hệ học sinh, sinh viên. Vì trong thời đại giới trẻ chạy theo những cái mới, cái phát triển, thì việc đưa công nghệ vào cây rừng sẽ dễ dàng thu hút, tiếp cận các em hơn”, bà Thủy chia sẻ.

Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong năm 2025, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập vườn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động số hóa dữ liệu sinh học, cải tạo hệ thống bảng chỉ dẫn, phát hành sổ tay nhận diện loài cây, loài thuốc quý tại rừng và phát triển hệ thống thông tin tương tác tại các tuyến du lịch sinh thái. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới xây dựng mô hình diễn giải môi trường hiện đại, thu hút du khách thông qua trải nghiệm thực tế kết hợp công nghệ.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu, mở rộng mã QR cho nhiều loài cây khác và tích hợp thêm các nội dung số như âm thanh, video hướng dẫn. Mục tiêu là biến khu rừng trở thành một bảo tàng sống động nơi ai cũng có thể học, hiểu và chia sẻ kiến thức sinh thái một cách chủ động”, ông Tuấn chia sẻ.

Mã QR gắn trên thân cây không đơn thuần là dấu mốc chuyển mình của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập trong thời đại 4.0, mà còn là nhịp cầu đưa tri thức đến gần hơn với cộng đồng để công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn.