Đồng Tháp và hành trình nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen

Hiện nay, Đồng Tháp có trên 100 sản phẩm chế biến từ sen, trong đó, gần 60 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Đây là thành tựu đáng tự hào, thể hiện sự đồng hành của tỉnh và nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị ngành hàng sen của tỉnh nhà hội nhập với xu hướng phát triển của ngành sen quốc tế, Đồng Tháp vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác các giá trị từ cây sen được xem là yếu tố đột phá cần thiết cho sự phát triển của ngành hàng thế mạnh này.
z5571016405605-678b42f21cf3b34e7cdb222332621e88-1719280578.jpg
Sen đã trở thành giá trị gắn liền với văn hóa và kinh tế tại nhiều quốc gia châu Á

Tại hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp” do UBND tỉnh tổ chức, ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn giải pháp quản trị tổng thể ISM, chia sẻ rằng sen đã trở thành giá trị gắn liền với văn hóa và kinh tế tại nhiều quốc gia châu Á. Ngành hàng sen của Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và triển vọng để mở rộng tại các thị trường này. Tuy nhiên, để hội nhập với sân chơi quốc tế, Đồng Tháp cần có góc nhìn sâu sắc hơn về thị trường, hiểu rõ tiềm năng và lợi thế của ngành sen để điều tiết phù hợp trong sản xuất và chế biến.

Ông Ngô Đình Dũng phân tích rằng phần lớn các sản phẩm chế biến từ sen của Đồng Tháp hiện còn đơn giản, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu đáp ứng đa dạng phân khúc khách hàng. Trong khi đó, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đang tập trung tạo ra nhiều sản phẩm tiện lợi và sức khỏe, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Để tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển thị trường, sản phẩm chế biến từ sen Đồng Tháp cần tạo ra sự đột phá, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, để ngành hàng sen phát triển bền vững, Đồng Tháp cần khai thác tối đa các sản phẩm từ sen thông qua mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Mang đến những góc nhìn mới về cách khai thác chuỗi giá trị từ cây sen, ông Yun Dae Sik, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu và Công nghệ ASEAN (K-Art) chia sẻ rằng từ lâu, sen được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và mỹ phẩm của Hàn Quốc. Các sản phẩm chế biến từ sen của Hàn Quốc đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và hỗ trợ phát triển du lịch tại nhiều địa phương. Với những dược tính quý giá từ cây sen, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã phát triển và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mỹ phẩm có giá trị kinh tế cao. Để chuỗi giá trị ngành hàng sen phát triển bền vững, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích nông dân tham gia vào ngành công nghiệp thứ 6 (nông nghiệp + chế biến + bán hàng) và hỗ trợ nhiều chính sách, giúp nông dân tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chế biến từ sen, mang lại thu nhập cao hơn.
Để chuỗi giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển bền vững, việc xây dựng chiến lược phát triển cho sen là hướng đi cần thiết. Định hướng này không chỉ là phát triển chuỗi sản xuất mà còn là đổi mới tư duy cho người dân xứ sen hồng. Khi Đồng Tháp hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nắm bắt kịp thời những cơ hội từ các sân chơi lớn, mục tiêu phát triển chuỗi giá trị ngành hàng sen bền vững, gia tăng giá trị cho cây sen sẽ sớm trở thành hiện thực.