Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, chúng ta đã thấy được sự phủ sóng mạnh mẽ của QR Code đến với cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế, QR Code đã xuất hiện từ rất lâu và được sử dụng thịnh hành tại nhiều nơi trên thế giới. Hãy thử tưởng tượng, khi đến một cửa hàng đang có chương trình khuyến mãi và họ yêu cầu bạn đăng nhập vào website để nhận mã ưu đãi, bạn sẽ thực hiện những thao tác nào? Có phải là gõ tên nhà hàng lên thanh địa chỉ, sau khi đã vào được trang web, bạn sẽ phải tìm mục khuyến mãi, click vào và lấy mã, tức là phải trải qua tới 4 bước? Nhưng nhờ sự xuất hiện của QR Code, chỉ cần đưa máy ảnh điện thoại đến trước QR Code là bạn sẽ được dẫn thẳng đến trang lấy mã. Tiết kiệm thời gian rất nhiều phải không nào? Tiện lợi đến thế nhưng liệu bạn đã biết loại mã quen thuộc này có một hành trình như thế nào trước khi đến với chúng ta không?
Cách quét QR Code bằng điện thoại di động/ máy tính bảng.
Mã vạch – tiền thân của QR Code
Vào những năm 1960, khi nước Nhật bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao thì những siêu thị với nhiều mặt hàng đa dạng đã bắt đầu xuất hiện ở những khu phố. Nhưng do công nghệ chưa phát triển, máy tính tiền được sử dụng tại những nơi này yêu cầu giá phải được nhập bằng tay. Điều đó đã dẫn đến việc xuất hiện hội chứng tê cổ tay và ống cổ tay ở nhiều nhân viên thu ngân. Vào lúc ấy, mã vạch bắt đầu được ứng dụng trong việc quản lý hàng. Với hệ thống POS – Point of Sale (điểm bán lẻ), giá của mặt hàng sẽ hiển thị tự động trên máy tính tiền sau khi quét mã vạch đính trên mặt hàng đó thông qua một cảm biến quang học gắn trên máy. Tuy nhiên, việc sử dụng mã vạch đại trà đã xuất hiện những nhược điểm, nổi bật nhất đó là mã vạch chỉ có thể chứa 20 ký tự bao gồm cả chữ và số. Ngoài ra, một số điểm yếu khác có thể kể đến như:
- Hướng quét: Mã vạch một chiều và lưu trữ dữ liệu chỉ theo một hướng. Nếu máy quét không được căn chỉnh đúng hướng thì không thể quét mã.
- Kích thước: Càng nhiều ký tự, mã vạch càng dài. In một mã vạch dài trên sản phẩm nhỏ là một thách thức.
- Dễ bị ảnh hưởng: Nếu có bụi bẩn hoặc xước nhẹ thì mã vạch sẽ không thể sử dụng được.
- Mã hóa kém: chỉ có thế mã hóa được các kí tự chữ và số.
Mẫu mã vạch thường thấy. Ảnh: option
Để khắc phục những hạn chế ấy, năm 1987, Tiến sĩ David Allais đã phát triển phiên bản nâng cấp hơn là mã vạch 2D. Dù mã này cũng chưa hoàn thiện nhưng nó được xem là tiền thân của mã PDF417. Về sau, xuất hiện thêm các mã Aztec, DataMatrix, mã Nex và nhiều mã vạch 2D, chúng đều nhỏ gọn và có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn. Tuy nhiên, vấn đề khác lại phát sinh, đó chính là những loại này đều là sản phẩm độc quyền nên không thể phổ biến rộng rãi.
Mã vạch do Tiến sĩ David Allais phát triển và mẫu nâng cấp PDF 417. Ảnh: scanova
Sự ra đời của “siêu anh hùng” QR Code
Đến năm 1994, Toyota không hài lòng với mã vạch hiện tại đang được sử dụng trong các nhà máy sản xuất ô tô của họ. Chính vì thế, họ đã đặt hàng Denso Wave – doanh nghiệp đang phát triển máy đọc mã vạch vào thời điểm đó, để đưa ra giải pháp nâng cao tốc độ đọc mã, có thể mã hóa chữ Kanji, ký tự Kana, chữ Latinh và số. Nhận được yêu cầu, Denso Wave đã cho thành lập một nhóm 2 người, đứng đầu là Masahiro Hara. Họ bắt tay vào việc nghiên cứu và liên tục đặt ra câu hỏi: Mã vạch cũ được mã hóa theo một chiều, mã 2D theo hướng xuyên qua và lên/xuống, vậy làm cách nào để mã mới này có thể quét dễ dàng và chứa nhiều thông tin hơn?
Ông Masahiro Hara, một trong hai người phát minh ra QR Code. Ảnh: the gaurdian
Cho đến một ngày, Hara chợt nảy ra ý tưởng thêm thông tin cho biết vị trí mã cần đọc thông qua các ô vuông. Lý giải cho việc này, Hara cho biết, nếu gần hoa văn định vị của mã có một hình ảnh tương tự thì việc đọc mã xảy ra nhầm lẫn sẽ không thể tránh khỏi. Để tránh việc này, các hoa văn định vị cần phải thực sự độc đáo. Một cuộc khảo sát đã được tổ chức, nhóm nghiên cứu bắt đầu phân tích tỷ lệ giữa các vùng trắng đen trong hình ảnh trên các ấn phẩm tờ rơi, tạp chí, hộp các tông,. sau khi chỉnh tất cả màu sắc thành đen trắng. Việc phân tích này diễn ra trong nhiều ngày liên tục, và cuối cùng, họ đã tìm ra được tỷ lệ các vùng đen trắng được sử dụng ít nhất trong các vật liệu in đó là 1:1:3:1:1. Đây là cách quyết định độ rộng giữa các vùng trong mẫu phát hiện vị trí. Bằng cách này, một liên kết được tạo nên giúp xác định hướng của mã, bất kể quét ở vị trí nào.
Phân tích khoảng cách giữa những vạch đen/trắng trong các ấn phẩm in. Ảnh: denso wave
Sau một năm rưỡi với vô số các nghiên cứu, QR Code lúc bấy giờ đã có khả năng mã hóa khoảng 7.000 chữ và số, bao gồm cả chữ Kanji. Không chỉ chứa nhiều thông tin hơn mà QR Code còn có thể được đọc nhanh hơn gấp 10 lần so với các mã cũ. Đến năm 1994, Denso Wave đã chính thức công bố việc phát hành Mã QR của mình với chữ QR có nghĩa là Quick Response – phản ứng nhanh, thể hiện mục đích phát triển của mã: tập trung vào việc đọc dữ liệu với tốc độ cao. Sau những nỗ lực không ngừng, QR Code đã được ngành công nghiệp ô tô thông qua để sử dụng trong Kanban điện tử (thuật ngữ dùng trong hệ thống quản lý sản xuất, bắt nguồn từ công ty Toyota) của họ. Việc ứng dụng QR Code đã góp phần to lớn giúp công việc quản lý trở nên hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, minh bạch hơn với người tiêu dùng bằng cách truy xuất thông tin sản phẩm nhanh chóng và chính xác.
Việc tra cứu thông tin dễ dàng hơn nhờ vào QR Code. Ảnh: genetic literacy project
Một yếu tố khác cũng góp phần quan trọng trong việc phổ biến rộng rãi QR Code đó là Denso Wave quyết định công khai các thông số kỹ thuật của mã để tất cả mọi người có thể tự do sử dụng và sáng chế những mã của riêng mình. Mặc dù Denso Wave sở hữu bằng sáng chế đối với QR Code, nhưng đối với Hara và cả Denso Wave, việc ngày càng nhiều người có thể sử dụng mã là một thành công đối với họ.
Ngoài việc có thể lưu trữ dung lượng lớn với tối đa 7.089 ký tự số (không có dấu cách) hoặc 2.935 ký tự chữ, số có dấu cách và dấu chấm câu, thì ở QR Code còn có những ưu điểm vượt trội hơn các mã tiền nhiệm đó là:
- Kích thước nhỏ hơn: đối với cùng một dữ liệu, QR Code chiếm ít dung lượng hơn so với mã vạch.
- Hướng quét: Có thể quét từ mọi góc độ.
- Mã hóa: Có thể mã hóa ký tự số, chữ, số, nhị phân và Kanji.
- Ảnh hưởng: Vẫn có thể quét dù bị trầy xước (tối đa 30%).
Các mẫu thiết kế QR Code đầy sáng tạo của các nhãn hàng. Ảnh: mslk
Vào năm 2000, QR Code đã được ISO phê duyệt trở thành một trong những tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2002, việc sử dụng mã đã trở nên thông dụng ở Nhật Bản, kéo theo việc các hãng điện thoại cũng cập nhật tính năng đọc mã QR trên điện thoại di động của mình. Ngày nay, mọi người có thể thanh toán, đọc thông tin sản phẩm, tham gia một group online, lấy mã giảm giá,. chỉ bằng việc quét QR Code.
Năm 2012, QR Code đã nhận được giải thưởng thuộc hạng mục “Media for Industry” của Good Design Award, một giải thưởng của Nhật Bản nhằm thúc đẩy toàn diện thiết kế công nghiệp. Sau 18 năm ra đời, QR Code đã được tôn vinh một cách công khai. Lý giải việc trao giải thưởng cho QR Code, BTC cho biết: “Các nhà phát triển đã chấp nhận thử thách để mang đến nhiều loại mã thông qua thiết kế, có tầm nhìn xa trong việc đưa công nghệ vào phạm vi công cộng và tạo điều kiện để mọi người có thể thoải mái sử dụng mã trong cuộc sống hàng ngày”. Sau đó, Denso Wave Inc tiếp tục giành được giải thưởng IEEE Milestone của Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) cho công nghệ QR Code.
Ưu thế của QR Code đó là không bị ảnh hưởng bởi thiết kế bên trong, chính vì thế, các chiến dịch markerting có thể tạo nên điểm khác biệt dựa vào QR Code. Điển hình cho chiến dịch này là emart Hàn Quốc, họ đối mặt với thách thức khi doanh thu vào khung giờ trưa thấp hơn hẳn do nắng nóng, mọi người ngại ra đường. Lợi dụng điều ấy, team Marketing đã dựng một chiếc bảng QR Code khổng lồ với mã giảm giá chỉ áp dụng từ 12h00 – 13h00. Vào đúng lúc mặt trời chiếu thẳng đứng sẽ tạo nên hình dạng QR Code hoàn thiện và mọi người có thể đến đó chụp lấy mã, sử dụng online và cả offline. Ngay lập tức, doanh số của emart vào khung giờ này tăng đáng kể. Cho thấy được việc áp dụng công nghệ trong cuộc sống sẽ mang lại lợi ích to lớn.
Chiến dịch Sunny Sale của emart Hàn Quốc. Ảnh: tachcard