Nông nghiệp Vĩnh Phúc tăng trưởng, bảo đảm an ninh lương thực

Việc đổi mới tư duy, ứng dụng nền tảng số, dữ liệu số trong sản xuất; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm có lợi thế về điều kiện địa lý và thị trường tiêu thụ, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã tạo bước đột phá tăng trưởng, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
img-7300-1720285928.jpeg
Ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc tăng trưởng ổn định, bảo đảm an ninh lương thực

Hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả chương trình sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ.
Tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc hữu cho vùng, địa phương; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm có lợi thế về điều kiện địa lý và thị trường tiêu thụ; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, đầu tư hạ tầng phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế; hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê điều, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở phát huy lợi thế về chăn nuôi với đàn bò sữa đạt hơn 17,6 nghìn con, đứng thứ 6 cả nước; đàn gia cầm hơn 12 triệu con, đứng thứ 12 cả nước, tỉnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, quy mô lớn trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ số tại các trang trại và doanh nghiệp.
Khuyến khích hộ chăn nuôi truyền thống cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, hướng đến thị trường trong vùng và xuất khẩu.
Cùng với đó, đẩy mạnh di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong các khu dân cư; phát triển các giống vật nuôi đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi thế cạnh tranh.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào sản xuất như IoT - Internet vạn vật và AI - trí tuệ nhân tạo vào giám sát, điều khiển môi trường chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe vật nuôi.
Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái; xây dựng các kênh bán hàng điện tử; kết nối với doanh nghiệp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến (gồm Website, hệ thống Email, Fanpage trên Facebook, Landing page).

Năm 2023, tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt ở mức cao (5,29%), đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước; giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác đạt 150 triệu đồng/ha.
6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 6.500 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch năm, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, trồng trọt tăng 0,3%, chăn nuôi tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 3,3%, thủy sản tăng 3,9%.
Năng suất các sản phẩm chính như lúa tăng 0,68%, ngô tăng 2,66%, thịt lợn tăng 6,3%, trứng gia cầm tăng 7,6%, sữa bò tăng 3,1%...
Đến nay, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); 100% số xã đạt chuẩn NTM; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, 177 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 6 thôn đạt chuẩn NTM thông minh.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt bình quân từ 2,5-2,7%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao hơn 2 lần so với năm 2020; toàn tỉnh có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Năm 2024, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 9,4 tỷ đồng triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; triển khai 6 danh mục dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số với kinh phí 7,4 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.
Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân.