Trà Vinh: Hiệu quả kinh tế từ trồng lúa giảm phát thải

PV
Theo TTXVN: Trà Vinh thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Người dân đã đăng ký gần 5.000 ha tham gia sản xuất theo mô hình ở vụ sản xuất lúa Hè Thu, cao gấp trên 5 lần so với diện tích tham gia đề án ở vụ lúa Đông Xuân 2024-2025.
Chú thích ảnh Nông dân huyện Tiểu Cần cấy dặm lúa Hè Thu (Ảnh tư liệu).

Hợp tác xã Thành Đạt, xã Huyền Hội, huyện Càng Long đăng ký tham gia đề án vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 diện tích 43,4 ha, với 65 hộ tham gia, sử dụng giống lúa cấp xác nhận 1 (Đài thơm 8). Hiện ruộng lúa đang trong giai đoạn thu hoạch.

Ông Phan Huyền Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị  Hợp tác xã Thành Đạt cho biết, tham gia mô hình, hợp tác xã được ngành nông nghiệp tỉnh và địa phương hỗ trợ quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải; hướng dẫn áp dụng  tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt/hay ngập khô xen kẽ (AWD), rút nước ít nhất 2 lần giữa vụ; áp dụng sạ cụm, sạ hàng, cấy, sử dụng lượng giống 70 - 100 kg/ha; bón phân hợp lý, cân đối theo nhu cầu của cây lúa; áp dụng Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp IPM; thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng; sử dụng men phân hủy rơm rạ trước khi xuống giống lúa, hạn chế được ngộ độc hữu cơ và cỏ dại, lúa lẫn…

Kết quả, ruộng lúa trong mô hình năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với ngoài mô hình. Với giá bán 6.500 đồng/kg hiện nay, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận đạt gần 24 triệu đồng/ha, cao hơn gần 4 triệu/ha so với ngoài mô hình. Dự kiến vụ lúa Hè Thu tới, Hợp tác xã Thành Đạt sẽ mở rộng diện tích tham gia mô hình.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" thực hiện trên địa bàn tỉnh đã chứng minh tính hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường; được nông dân trong tỉnh đồng tình, hưởng ứng cao và tích cực tham gia.

Vụ Đông Xuân 2024-2025 là vụ sản xuất thứ 3 liên tiếp tỉnh Trà Vinh tham gia đề án. Trước đó, hai vụ sản xuất Hè Thu và Thu Đông 2024 đều mang lại hiệu quả rất cao cho nông dân tham gia mô hình. Việc gieo sạ mật độ thưa (70 - 80 kg/ha), bón lót phân hữu cơ đầu vụ giúp mô hình giảm đáng kể lượng phân hóa học, nhất là giảm phân đạm, hạn chế tối đa khả năng phát sinh và gây hại của sâu bệnh, từ đó giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng lợi nhuận và phẩm chất hạt gạo. 

Đặc biệt, mô hình giảm lượng khí phát thải 20 - 30%, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng từng bước xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải của tỉnh Trà Vinh, giúp tăng giá trị ngành hàng lúa gạo của tỉnh.

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" được Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ vụ Hè Thu 2024 với tổng diện tích gần 100 ha của Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành. Từ sự thành công của 2 mô hình điểm, nông dân trên địa bàn tỉnh liên mở rộng diện tích tham gia đề án.

Đến vụ Đông Xuân 2024-2025, tỉnh đã nhân rộng lên 16 mô hình trên tổng diện tích  hơn 883 ha; trong đó, 2 mô hình điểm diện tích 98,4 ha, còn lại là huyện Càng Long gần 70 ha, huyện Cầu Kè trên 105 ha, huyện Tiểu Cần 210 ha, huyện Châu Thành 215 ha, huyện Cầu Ngang 70 ha và huyện Trà Cú 115 ha. Hiện nay phần lớn l diện tích lúa tham gia đề án đang trong giai đoạn trổ đến chín, sinh trưởng và phát triển rất tốt.