Khi biết tôi có ý định tách đoàn để đi thăm chiến trường xưa sau 45 năm, anh Sam Nang, hướng dẫn viên du lịch tại Campuchia tỏ ra rất thông cảm cho người cựu binh già, hứa sẽ giúp tôi đạt được ý nguyện.
Đêm đầu tiên ở Phnom Penh, tôi thao thức hình dung ngày mai di chuyển về phía Nam Campuchia, trên tuyến đường 45 năm trước đơn vị mình vừa đi vừa đánh địch, mở đường hành quân để kịp hợp đồng tác chiến với lực lượng hải quân, đánh chiếm quân cảng Ream và thành phố Sihanoukville.
Buổi sáng hôm sau, Phnom Penh mát dịu, HDV Sam Nang gặp tôi ở lễ tân khách sạn:
- OK chú, cháu sẽ cố gắng sắp xếp để chú có thể đến những nơi chú muốn. Trường hợp xe đoàn không đi được, cháu sẽ nhờ người bạn lấy ô tô con đưa cô chú đi, chi phí chú thỏa thuận với tài xế.
Thị xã trái sầu riêng - Campot ngày nay
Điểm dừng đầu tiên trên hành trình về phía nam Campuchia là Thị xã Campot, cách Phnom Penh 160km. Xe chúng tôi đi qua bùng binh trung tâm thị xã có đặt biểu tượng trái sầu riêng rất to, rồi dừng ăn cơm trưa ở nhà hàng cạnh chợ Campot.
Campot xưa là nơi chúng tôi đóng quân một đêm đầu năm 1979 trên đường tiến quân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh trận “mở cửa mở” ngày 31/12/1978, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) vượt qua Kênh Vĩnh Tế, đơn vị tôi tiến vào đất Campuchia, giải phóng một vùng rộng lớn; rồi tiếp tục đánh thọc lên từ phía nam Phnôm Pênh. Lúc này, Quân đoàn 3 và 4 qua hướng Tây Ninh đã chiếm được Phnôm Pênh từ ngày 7/1/1979 nên sư đoàn 304 được lệnh quay xuống giải phóng vùng duyên hải Đông Nam Campuchia.
Tôi cố nhớ lại dãy phố theo lối kiến trúc Pháp ở Campot, nơi mình ngủ qua đêm ngày xưa, nhưng không thể. Ngày đó Campot hoang tàn, vắng lạnh. Sau phiên gác và giấc ngủ chập chờn, chúng tôi dậy sớm, không ai dám mạo hiểm đi xa tìm giếng nước sạch, cả tiểu đội lấy nước ao súc miệng, rửa mặt, ăn cơm nắm và tiếp tục hành quân.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua mà cứ ngỡ như ngày hôm qua. Phố phường Campot bây giờ tuy chưa có nhiều nhà cao tầng nhưng khang trang, buôn bán tấp nập, dân tình giàu có, tỏ ra thân thiện khi biết tôi là cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam.
Chúng tôi di chuyển hơn 20km nữa để tham quan các danh thắng trên cao nguyên Bokor (núi Tà Lơn) lộng gió. Từ trên núi Tà Lơn, ta có thể phóng tầm mắt nhìn thấy được Đảo Phú Quốc. Nhìn xuống chân núi là bãi biển Tà Lơn, nơi thủy quân lục chiến của ta đổ bộ trong chiến dịch giải phóng Campuchia.
Thành phố Sihanoukville và ký ức ngày trở về Tổ quốc
Từ Bokor đến thành phố Sihanoukville chỉ hơn 60km, nhưng QL 3 đang sửa chữa nên lái xe phải đi đường vòng gần 200 km, khi đến nơi thì thành phố biển đã lên đèn. Chúng tôi ngủ trong 1 khách sạn kiêm sòng bạc.
Sihanoukville còn in đậm ký ức ngày tôi trở về Tổ quốc. Ngày đó, 5/3/1979, từ trên chốt, chúng tôi được lệnh hành quân bộ hơn 20km đến cảng Shihanoukville, xế chiều thì đến nơi. Nhìn mấy chiếc tàu biển đang neo chờ sẵn đón quân ta về nước, ai cũng sung sướng, quên đi mệt nhọc sau quãng đường dài. Ngồi bệt bên hiên dãy nhà trên bến cảng, tôi lấy bidong cho nước ngọt vào túi cơm sấy, chờ mấy phút cơm nở ra, nhai ngon lành, thở phào nhẹ nhõm vì biết mình may mắn còn sống và sắp trở về.
Sihanoukville ngày nay là một đô thị xinh đẹp, phát triển nhanh nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn từ Trung Quốc. Theo HDV địa phương, hiện thành phố có đến 70% là cư dân Trung Quốc. Không biết từ bao giờ, Sihanoukville trở thành “thủ phủ casino” và được ví như là “Macao của Đông Nam Á” với những tòa nhà chọc trời cùng những sòng bạc xa hoa, sáng đèn cả đêm lẫn ngày. Tuy nhiên, người dân địa phương lại rất ít được hưởng lợi từ điều này. Tốc độ đô thị hóa “nóng” cũng nảy sinh các vấn đề xã hội tiêu cực... Mấy năm gần đây, chính sách thay đổi sau lệnh của Chính phủ cấm đánh bạc trực tuyến, cộng với hậu quả đại dịch Covid-19 đã làm nghiêm trọng hơn tình trạng suy thoái của Sihanoukville. Đập vào mắt chúng tôi là nhiều công trình nhà cao tầng xây dang dở, hoang phế. Được biết, có đến hơn 1.150 tòa nhà đã ngừng thi công mà chưa có tín hiệu sẽ tiếp tục.
Quân cảng Ream và những địa danh một thời khói lửa
Buổi sáng ngày cuối cùng ở Sihanoukville, hai chúng tôi được cháu Sok Vieak – người địa phương và là bạn của HDV Sam Nang – lái chiếc ô tô con đưa đi thăm một số nơi tôi từng chiến đấu và đóng quân, với chi phí 30 USD, tôi ra hiệu “Ok” và tranh thủ lên đường ngay.
Ngày xưa đi bộ, mang vác súng đạn lỉnh kỉnh nên cảm thấy xa, nay đi ô tô vèo một cái chưa đầy 20 phút chúng tôi đã ở ngay cửa ngõ vào quân cảng Ream.
Chính nơi đây 45 năm trước, đơn vị tôi bị địch phục kích, đánh chặn dữ dội. Lúc đó, tôi nổ súng bắn trả thì khẩu 12ly7 của tôi đột nhiên “trở chứng”, nó bị kẹt đạn, chỉ bắn được 1 phát rồi tắc tịt. Tình huống quá bất ngờ giữa trận chiến, chúng tôi đau như người bị trói tay, trói chân, bịt miệng vậy. Địch phụt ĐKZ vào đội hình ầm ầm, súng tiểu liên nổ ran, vậy mà hỏa lực 12ly7 của tôi im tiếng.
Chiếc xe tải Zil 130 chở khẩu đội tôi trúng nhiều phát đạn AK vào thành xe nghe loác toác, gãy thanh gỗ thùng xe. Cũng may, đồng đội chưa ai bị trúng đạn, tôi vẫn loay hoay bên súng tìm nguyên nhân khắc phục, không nhớ bao nhiêu phút sau thì bắn liên thanh được. Đó là những phút giây sinh tử dài đằng đẵng vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Loạt đạn đầu tiên tôi nhằm bắn là tiêu diệt hỏa lực ĐKZ của địch bên sườn đồi vừa phụt khói bắn ta. Những viên đạn lửa vạch đường nối đuôi nhau găm thẳng vào chúng và không còn thấy chúng động tĩnh gì nữa...
Cảnh vật giờ đổi thay quá nhiều, tôi chỉ còn nhận ra vài nơi và quả đồi đơn vị từng đóng chốt. Chúng tôi dừng lại trước cổng vào quân cảng, nơi có tượng đài và cây neo tàu biển chụp mấy kiểu hình lưu niệm, để nhớ cái thời mình may mắn chỉ bị thương nhẹ, rồi lên xe đi một vòng bên ngoài, không thể vào bên trong khu vực cảng quân sự.
Chúng tôi tiếp tục hành trình qua những địa danh đáng nhớ: Sân bay Sihanouk, ngã ba QL4 - QL45, Phum Thma Thum – nơi nhiều đồng đội đã hy sinh, bây giờ dân cư khá đông đúc.
Điểm cuối trong chuyến thăm lại chiến trường xưa là cầu Toeksab và Phum Smach Daeng nằm trên QL4, nơi khẩu đội tôi đóng chốt hơn 1 tháng để bảo vệ cầu, từng bị địch tập kích. Tôi định vào phum hỏi thăm cô bé 3 tuổi ngày xưa có cha bị angka Khmer Đỏ sát hại nay ở đâu, nhưng vì thời gian hạn hẹp nên đành thôi. Cuộc sống người dân Phum Smach Daeng bây giờ khấm khá hơn nhiều. Và tôi tin em bé khmer tội nghiệp ngày xưa đang có cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên gia đình mình, chắc chắn vậy rồi.
Còn một vài điểm hơi xa nên tôi chưa thể đến thăm lần này, đó là một Phum nhỏ nằm ven suối, gần nơi chúng tôi bị lạc giữa rừng đêm 30 Tết trong lần truy quét địch; nơi 1 tên tù binh Khmer Đỏ bị thương được chúng tôi đối xử nhân đạo; nơi 1 xạ thủ đại liên đồng đội tôi hy sinh khi bị địch tập kích giải cứu cho tên Khmer Đỏ kia; nơi gần 2 ngày truy quét địch, chúng tôi chia nhau lương khô và nhai mía trừ bữa vì hậu cần chưa tiếp tế kịp...
Tạm biệt vùng đất ký ức
45 năm và 4 tiếng đồng hồ trôi đi quá nhanh. Dù vạn vật theo thời gian có đổi thay, nhưng tôi không thể quên vùng đất ký ức và tuổi trẻ một thời xông pha. HDV Sam Nang gọi điện dục chúng tôi quay về để kịp cùng đoàn trở lại Phnom Penh.
Bâng khuâng rời chiến trường xưa, tôi thầm cầu cho linh hồn các đồng đội đã hy sinh, nếu còn ẩn khuất, man mác đâu đây thì hãy siêu thoát mà trở về với đất mẹ. Các anh sống mãi cùng chúng tôi và lịch sử dân tộc, vì chúng ta đã để lại di sản vô giá, đó là sự toàn vẹn bờ cõi Tây Nam Tổ quốc, là biên giới 2 nước bình yên, là nền hòa bình cho đất nước Chùa Tháp và tình hữu nghị bền chặt giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Tôi mừng vì đất nước Chùa Tháp thanh bình, phát triển, thân thiện và cởi mở. Cám ơn anh Sam Kheam (Cục trưởng Bộ Hoàng cung) và HDV Sam Nang, Sok Vieak, Hun Meat ...những thanh niên Campuchia thế hệ 8X, 9X và những người đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi chuyến thăm lại chiến trường xưa lần này. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại một lần nữa!