Đồng Nai: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp

PV
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
buoi-1710298990.jpg

Bưởi Tân Triều đặc sản Đồng Nai

Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, việc làm này nhằm tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hình thành chuỗi điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng, gắn với hoạt động canh tác nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiền đề cho các ngành khác phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội; từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đáp ứng một phần nhu cầu, xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Bên cạnh đó kế hoạch năm 2024, Đồng Nai đầu tư xây dựng mô hình “Làng văn hóa - du lịch Tân Triều” tiêu biểu phía Nam tại khu vực cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Từ đó, đưa làng bưởi Tân Triều trở thành Làng du lịch cộng đồng canh nông tiêu biểu phía Nam, đồng thời liên kết các nhà vườn trồng bưởi để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng trong việc đáp ứng nhu cầu du lịch. Làng văn hóa - du lịch Tân Triều cũng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng đầu tiên của Đồng Nai.

Ngoài ra,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, làng bưởi Tân Triều có đặc sản nổi bật là trái bưởi đường lá cam, đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Với đặc sản này, nhiều nhà vườn đã kết hợp việc sản xuất nông nghiệp với làm du lịch hiệu quả. Hoạt động du lịch cộng đồng canh nông tại làng bưởi Tân Triều hướng vào các giá trị cốt lõi của cây bưởi như: Tập trung giới thiệu hệ sinh thái cảnh quan nông nghiệp cây lâu năm (vườn bưởi), lan tỏa không gian bảo tồn các giống cây trồng bản địa (bưởi ổi, bưởi đường lá cam, bưởi đường hồng…). Đồng thời, hoạt động này cũng nhằm xây dựng cấu trúc không gian sinh thái du lịch nông nghiệp, hình thành và khai thác hiệu quả chuỗi giá trị kép… để dẫn dắt du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực từ nguồn nguyên, vật liệu địa phương, đặc trưng là bưởi; tạo ra nguồn dược liệu quý từ bưởi phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.