Đồng Nai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Phong trào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không chỉ thu hút các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn mà nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ cũng đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng CNC đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC, vượt 12,5% kế hoạch đề ra.

 

33-1667374806-image-1701832999.jpg

Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao. Ảnh Phạm Thạch

Việc ứng dụng CNC vào tất cả các lĩnh vực nông nghiệp góp phần tiết kiệm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Đồng Nai đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, với 2 vật nuôi chủ lực là heo và gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Các máy móc chủ yếu được ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi sử dụng để vệ sinh, sát trùng chuồng trại, hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động cùng hệ thống làm mát chuồng, ấp trứng, bảo quản và vận chuyển sữa. Trong đó, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đi đầu trong ứng dụng CNC. Cụ thể, toàn tỉnh có 442 trang trại (chiếm khoảng 21% tổng số trang trại) sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Trong đó, không thiếu các trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới.

Bên cạnh đó, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên nông dân trong tỉnh đã sớm có ý thức ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, hình thành lớp nông dân thời công nghệ hiện đại. Điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp CNC của Đồng Nai là nông dân không áp dụng rập khuôn mà rất sáng tạo trong ứng dụng CNC vào sản xuất, có nhiều cải tiến giúp giảm chi phí đầu tư, phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Đặc biệt, Đồng Nai cũng thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp CNC. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt ứng dụng CNC từ khâu xử lý chất thải chăn nuôi, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đến trang trại trồng trọt trong nhà màng tại H.Xuân Lộc. Trong đó, trang trại rộng 13ha với hệ thống nhà màng trồng rau, trái sạch được đầu tư công nghệ hiện đại trên thế giới, có robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây trồng; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất.

Thời gian qua, các địa phương đều quan tâm quy hoạch các vùng nông nghiệp CNC. Đây là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất. Kết quả, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã xác định quy hoạch được 8 vùng sản xuất nông nghiệp CNC với diện tích 6,5 ngàn ha.
Đồng thời, đề xuất báo cáo chủ trương đầu tư vào vùng nông nghiệp CNC gửi Sở KH-ĐT để thẩm định. Về cơ sở hạ tầng giao thông, điện sản xuất cho các vùng nông nghiệp CNC này đã được đảm bảo. Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với địa phương, doanh nghiệp rà soát xây dựng phương án cấp nước từ các công trình thủy lợi để phục vụ các vùng sản xuất trên.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng cho hay, phát triển nông nghiệp CNC cần nguồn vốn lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm... Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp CNC. Huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó, ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.