Lâm Đồng: Nông hộ xã Hoài Đức tập trung trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ

Nhà nông Nguyễn Thế Quý ở thôn Đức Thành, xã Hoài Đức (Lâm Đồng), đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Hiệu quả bước đầu từ việc chuyển đổi đạt nhiều kỳ vọng và đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình.

Vườn sầu riêng gia đình anh Nguyễn Thế Quý ở thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), đang trong giai đoạn chờ hơn 20 ngày để thu hoạch trái. Trước đây với diện tích hơn 1 hecta đất, gia đình anh trồng cây cà phê lâu năm, tuy nhiên nhận thấy trồng cà phê đạt năng suất chưa cao, anh Quý đã tham khảo thị trường, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương, cũng như học hỏi kiến thức thông qua các buổi tập huấn nông nghiệp. Từ đó anh Quý đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng sầu riêng Thái để phát triển kinh tế. Nắm bắt được nhu cầu khách hàng cần nguồn thực phẩm sạch, anh Quý quyết định áp dụng phương pháp canh tác sầu riêng hữu cơ. Từ khi áp dụng đến nay, việc trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất, mà còn mang lại hiệu quả về năng suất, chất lượng quả.

trong-sau-rieng-huu-co-1728268032.jpgVườn sầu riêng hữu cơ cho sản lượng ổn định.

Anh Nguyễn Thế Quý chia sẻ, hiện tại với diện tích hơn 1 hecta, anh đang trồng hơn 118 cây sầu riêng giống Thái được 7 năm tuổi. Bình quân với giá trung bình từ 50 nghìn đồng-60 nghìn đồng/ 1 kg, sau khi trừ các chi phí, anh Quý thu lãi hơn 900 triệu đồng/ năm.

“Tôi bắt đầu trồng sầu riêng khảo nghiệm trên đất cà phê. Trải qua quá trình theo dõi, nhận thấy việc trồng sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi quyết định trồng hơn 118 cây sầu riêng trên diện tích đất hơn 1 hecta. Đối với cách chăm sóc, hơn 2 năm nay gia đình tôi đã chuyển sang trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả và năng suất rõ rệt, tạo nên thu nhập đáng kể cho gia đình”, Anh Quý cho biết thêm. 

Sầu riêng là loại cây khó trồng, đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc và xử lý ra hoa đậu trái. Đối với anh Quý, bên cạnh kỹ thuật chăm sóc sầu riêng thì việc cải tạo đất là hết sức quan trọng. Vì thế, sau những năm cải tạo đất sử dụng phân bón hữu cơ cho anh thấy được những thay đổi rõ rệt trên bề mặt đất mềm, màu mỡ, bộ rễ sầu riêng phát triển tốt, cây lá xanh tốt và dự kiến cho thu hoạch đạt năng suất chất lượng trái trong vụ thu hoạch tới. 

trong-sau-rieng-huu-co-tai-xa-hoai-duc-1728268105.jpgMô hình trồng hữu cơ được nhiều hộ nông dân học hỏi áp dụng.

Trên địa bàn xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) việc trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ cũng đang là một trong những vấn đề được địa phương quan tâm. Theo chị Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Đức cho biết. Đến nay trên địa bàn xã Hoài Đức có gần 60 hecta trồng sầu riêng và hộ anh Nguyễn Thế Quý ở thôn Đức Thành, xã Hoài Đức là một trong những hộ đi đầu theo Phương pháp canh tác sầu riêng hữu cơ, cho doanh thu 900 triệu/ 1 hecta. Hội nông dân xã cũng mong muốn từ mô hình này, bà con trồng sầu riêng có thêm định hướng theo phương pháp hữu cơ để đảm bảo chất lượng, vừa xây dựng vùng sầu riêng an toàn chất lượng, hiệu quả, cũng như tạo cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. 

Hiện nay, với bước đầu có nhiều kết quả khả quan từ mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Thế Quý, nhiều bà con nông dân cũng có cùng đam mê, học hỏi để chuyển dần sang mô hình này. Hình thức canh tác sầu riêng hữu cơ không chỉ tạo cơ hội giúp người nông dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế mà còn là hướng đi trong sản xuất nông nghiệp của địa phương với mục đích đem lại sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường đến với người tiêu dùng.